Sức hấp dẫn từ nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông
(Taichinh) - Cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng Đề án cho thuê, nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng giao thông. Nhưng có thể thấy ngay từ năm 2014, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành xây dựng phương án nhượng quyền khai thác dự án, công trình để có thêm nguồn vốn đầu tư các dự án mới.
Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực tái cơ cấu đầu tư công mạnh mẽ, Bộ Giao thông - Vận tải đã đặt ra nhiệm vụ phải huy động bằng được mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, cần sử dụng hạ tầng như vốn mồi để tiếp tục phát triển hạ tầng. Vốn mồi ở đây là toàn bộ kết cấu hạ tầng Nhà nước đã đầu tư và hệ thống cơ chế, chính sách. Vì vậy, ngay từ năm 2014, vấn đề nhượng quyền khai thác trong tất cả các lĩnh vực của ngành giao thông - vận tải đã được xác định và tích cực tìm các giải pháp thu hút đầu tư.
Nhìn lại, sức hấp dẫn trong thị trường chuyển nhượng quyền khai thác đã nóng từ năm 2014. Cụ thể, trong lĩnh vực đường bộ, nhiều nhà đầu tư đặc biệt chú ý khi lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xây dựng các phương án nhượng quyền khai thác và thu phí các cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Song do đây là những dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, nên để hấp dẫn nhà đầu tư, VEC lên phương án với thời gian chuyển nhượng mỗi dự án là 30 năm. Không chỉ tập trung vào các dự án cao tốc, nhiều nhà đầu tư cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt đến một số tuyến đường bộ được đầu tư bằng hình thức BOT chuẩn bị nhượng quyền. Đáng kể nhất là dự án BOT Nam Bến Thủy - Hà Tĩnh do Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 (Cienco 4) là nhà đầu tư, hiện có hai nhà đầu tư chờ được chuyển nhượng, trong đó có một nhà đầu tư đến từ Ấn Độ.
Ngay từ đầu năm 2015, các dự án chuẩn bị nhượng quyền khai thác trong lĩnh vực hàng không khi chào hàng cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Bằng chứng là ngay sau khi công bố thí điểm nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc và nhà ga T1 Nội Bài, hàng loạt nhà đầu tư đã gửi đề xuất tới Bộ Giao thông – Vận tải xin nhượng quyền khai thác hai công trình này.
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, đối với Cảng hàng không Phú Quốc, cơ quan chức năng đang xây dựng hai phương án nhượng quyền dự án này. Phương án thứ nhất, sẽ nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Phú Quốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để quản lý, kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định. Phương án thứá hai, nhượng quyền khai thác theo hình thức chuyển đổi doanh nghiệp. Theo đó, sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu các chi nhánh cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.
Các phương án chuyển nhượng khai thác hạ tầng giao thông đang được xây dựng, mở ra triển vọng thu hút nguồn lực của xã hội vào đầu tư lĩnh vực này. Nhiệm vụ đặt ra với cơ quan quản lý là phải lựa chọn được phương án tối ưu để vừa bảo đảm tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, vừa ngăn chặn tình trạng độc quyền khi nhà đầu tư khai thác công trình hạ tầng.