Xây dựng lực lượng dự trữ nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách
Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, với nhiều giai đoạn lịch sử và muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng ngành Dự trữ Nhà nước luôn hướng về phía trước, không ngừng phát triển và lớn mạnh, đóng góp quan trọng trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia và các nhiệm vụ khác được Đảng, Nhà nước giao. Đặc biệt, trong suốt 20 năm về với ngôi nhà chung ngành Tài chính (2000-2020), ngành Dự trữ Nhà nước đã có thêm những điều kiện để phát triển, khẳng định vai trò với nhiều dấu ấn quan trọng...
Dấu mốc hình thành và phát triển
Dự trữ quốc gia (DTQG) là nguồn lực do Nhà nước tạo lập, đưa vào dự trữ để sử dụng cho mục tiêu chủ động đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia. Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi huy động, đưa vào dự trữ lương thực, tiền vàng, muối ăn, đạn dược… để phục vụ các yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và kịp thời hỗ trợ cứu đói cho nhân dân. Điển hình là lời kêu gọi “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Tuần lễ vàng”, “muối quý hơn vàng”... đã tạo lập nguồn lực quan trọng đáp ứng yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ. Đây thực chất là hoạt động DTQG.
Mặc dù, hoạt động DTQG được thực hiện ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) ra đời muộn hơn. Tháng 9/1955, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Nghị quyết phiên họp, trong đó nêu rõ: “Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 663/TTg ngày 13/1/1956 về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư nhà nước, với danh mục 27 loại hàng hóa thiết yếu, phân công cho các bộ trực tiếp bảo quản và giao Ủy ban Kế hoạch quốc gia theo dõi chung.
Để thống nhất quản lý hoạt động, Thủ tướng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 997-TTg ngày 7/8/1956 về thành lập Cục quản lý dự trữ vật tư của Nhà nước thuộc Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức bộ máy của Cục Quản lý dự trữ vật tư của Nhà nước theo Nghị định số 997-TTg gồm có 4 phòng chuyên môn và 18 cơ quan đại diện đặt tại các địa bàn quan trọng của đất nước (từ Quảng Bình trở ra). Như vậy, ngày 7/8/1956 đánh dấu sự ra đời của ngành DTNN.
Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 7/8 hàng năm được chọn là ngày Truyền thống của ngành DTNN theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 06/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành DTNN ôn lại lịch sử truyền thống nhằm kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành DTNN lớn mạnh cùng đất nước.
Trải qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, với nhiều giai đoạn lịch sử và muôn vàn khó khăn, thách thứ nhưng ngành DTNN luôn hướng về phía trước, không ngừng phát triển và lớn mạnh, đóng góp quan trọng trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia và các nhiệm vụ khác được Đảng và Nhà nước giao phó.
20 năm về với ngôi nhà chung ngành Tài chính
Trong các giai đoạn lịch sử phát triển của ngành DTNN, có thể thấy rõ sự lớn mạnh nổi bật từ khi Cục DTQG chuyển về ngôi nhà chung ngành Tài chính. Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/8/1999 Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII về sắp xếp lại các cơ quan nhà nước theo hướng bộ quản lý đa ngành, giảm đầu mối trực thuộc Chính phủ, Cục DTQG khi ấy là cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng thuộc diện sắp xếp lại. Khi đó, có nhiều phương án sắp xếp được đưa ra, nhưng phương án tối ưu được chọn là chuyển về Bộ Tài chính. Ngày 24/8/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 102/2000/QĐ-TTg chuyển Cục DTQG về trực thuộc Bộ Tài chính. Vì vậy, tháng 8/2020 vừa là dịp Kỷ niệm 64 năm ngày Truyền thống của ngành DTNN vừa là dịp kỷ niệm 20 năm Cục DTQG (nay là Tổng cục DTNN) trực thuộc Bộ Tài chính.
Trong 20 năm thuộc Bộ Tài chính (2000-2020), ngành DTNN đã có thêm những điều kiện để phát triển và khẳng định vai trò, với nhiều dấu ấn đặc biệt, thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của ngành DTNN, điển hình là:
Thứ nhất, sự ra đời của Pháp lệnh DTQG. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Dự thảo Pháp lệnh DTQG được triển khai soạn thảo. Ngày 29/4/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Khóa XI) đã thông qua Pháp lệnh DTQG số 17/2004/PL-UBTVQH11. Pháp lệnh này được Chủ tịch nước công bố theo Pháp lệnh số 05/2004/L-CTN ngày 12/5/2004 và có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2004. Cùng với Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 196/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh và thiết lập hệ thống tổ chức ngành DTNN gồm: Cơ quan quản lý DTQG chuyên trách thuộc Bộ Tài chính (Cục DTQG), các đơn vị DTQG khu vực và các đơn vị DTQG thuộc bộ, ngành trực tiếp quản lý, bảo quản hàng DTQG theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, thành lập Tổng cục DTNN và tiếp tục kiện toàn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và đội ngũ cán bộ. Ngày 20/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, Tổng cục DTNN được tổ chức theo hệ thống dọc gồm 9 đơn vị tham mưu, 1 đơn vị sự nghiệp và 22 cục DTNN khu vực.
Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Tổng cục DTNN tiếp tục được kiện toàn sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN thuộc Bộ Tài chính. Theo quyết định này, cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN một lần nữa được sắp xếp lại theo hướng tinh giảm đầu mối (giảm 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục; bỏ tổ chức phòng tại Vụ Tài vụ - Quản trị; sắp xếp để giảm 07 Chi cục DTNN trong giai đoạn 2020-2025). Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục DTNN được hoàn thiện theo đúng quy định tại Luật DTQG.
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 và Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020. Ngày 17/01/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020. Ngày 28/12/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2091/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu tổng mức DTQG đến năm 2015 đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.
Thứ tư, ban hành Luật DTQG và hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật. Ngày 20/11/2012, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật DTQG số 22/2012/QH13; ngày 03/12/2012, Chủ tịch nước đã ban hành Lệnh số 24/2012/L-CTN công bố Luật DTQG. Kể từ ngày 01/7/2013, Luật DTQG có hiệu lực thi hành đến nay, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật về DTQG đã được Tổng cục DTNN tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành, gồm: 02 nghị định, 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên 50 thông tư, tạo nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DTQG tương đối đầy đủ và đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực DTQG.
Thứ năm, cơ sở vật chất, kho tàng và công nghệ bảo quản được quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại hóa. Để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hệ thống cơ sở vật chất, kho DTQG đã được quan tâm đầu tư phát triển theo quy hoạch tại 8 vùng chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh-quốc phòng trên cả nước.
Thứ sáu, nguồn lực DTQG được tăng cường, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phục vụ nhân dân và các nhiệm vụ khác được Đảng và Nhà nước giao. Hàng năm, Nhà nước bố trí tăng ngân sách nhà nước cho DTQG; tổng mức ngân sách bố trí để mua hàng DTQG giai đoạn 2016-2020 gần 12.000 tỷ đồng. Việc tổ chức mua sắm hàng DTQG được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, hiệu quả, tiết kiệm. Các mặt hàng đưa vào dự trữ đều là những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, phù hợp với tiêu chí và mục tiêu sử dụng DTQG. Công tác xuất cấp hàng DTQG luôn bảo đảm kịp thời và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng so với nhu cầu về số lượng theo các quyết định xuất cấp. Giai đoạn 2016 đến tháng 6/2020, ngành DTNN đã xuất cấp lượng hàng hóa trị giá khoảng 9.500 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các mặt hàng xuất cấp đã góp phần giúp nhân dân kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; chung tay chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các huyện vùng cao; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh và tăng cường hợp tác quốc tế.
Trải qua chặng đường 64 năm hình thành và phát triển, mặc dù đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian nan nhưng ngành DTNN đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tích đạt được trong suốt 20 năm kể từ khi về với mái nhà chung ngành Tài chính đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang suốt chặng đường 64 năm xây dựng và trưởng thành của ngành DTNN.
Ghi nhận những thành tích, đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức ngành DTNN trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Tổng cục DTNN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Hồ Chí Minh (2006); Huân chương Độc lập hạng nhất (2015); Cờ thi đua của Chính phủ (2016); 2 danh hiệu Anh hùng lao động; nhiều đơn vị và cá nhân được tặng thưởng huân chương Độc lập và Huân chương lao động các hạng...
Phát huy truyền thống, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao
Phát huy truyền thống đoàn kết và những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, nhằm xây dựng lực lượng DTNN có tiềm lực vững mạnh, đáp ứng mọi nhiệm vụ, yêu cầu cấp bách của Đảng, Nhà nước giao phó, Tổng cục DTNN tập trung thực hiện thắng lợi những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược sau đây:
Một là, rà soát, đánh giá Luật DTQG và các văn bản hướng dẫn thi hành để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về DTQG, trọng tâm là nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật DTQG; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý điều hành hoạt động DTQG.
Hai là, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chiến lược DTQG đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng hệ thống kho DTQG phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về công nghệ bảo quản và đặc thù của mỗi loại hàng DTQG.
Ba là, xây dựng kế hoạch DTQG phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước; điều hành, thực hiện kế hoạch DTQG có hiệu quả. Thường xuyên rà soát và dự báo để từng bước cơ cấu lại danh mục hàng DTQG theo hướng, đưa vào kế hoạch dự trữ những mặt hàng phù hợp với tiêu chí và mục tiêu DTQG, ưu tiên những mặt hàng có tính chiến lược, thiết yếu, có giá trị kinh tế cao, tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách, những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, không tái tạo…
Bốn là, tăng cường nguồn lực cho DTQG, ưu tiên bố trí ngân sách để mua tăng, mua bù hàng DTQG; khuyến khích các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương đáp ứng nhu cầu huống đột xuất, cấp bách trên địa bàn. Có cơ chế huy động nguồn lực hợp pháp ngoài ngân sách để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin phục vụ quản lý và bảo quản hàng DTQG.
Năm là, tổ chức quản lý kho tàng, hàng hóa DTQG chặt chẽ, an toàn; trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho giám sát, quản lý hệ thống kho DTQG và hàng hóa DTQG; bảo đảm sử dụng kho tàng, hàng hóa DTQG đúng mục đích, có hiệu quả.
Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý DTQG; sắp xếp, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực theo vị trí việc làm; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, đủ về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý; chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao; có chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài đối với ngành DTQG để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn ngày càng cao.
Bảy là, tăng cường cải cách hành chính, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực DTQG, trong đó chú trọng cải cách quy trình, quy chế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa các thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ để tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân trong bộ máy.
Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp các đơn vị trong việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về DTQG; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động DTQG. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải thiết thực phục vụ quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hàng DTQG và hoàn chỉnh chế độ, chính sách, pháp luật về DTQG; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong lĩnh vực DTQG.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành DTNN sẽ nỗ lực tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, đoàn kết nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng ngành DTNN ngày càng phát triển.