Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

PV. (t/h)

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đưa ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việt Nam sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.
Việt Nam sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.

Theo đó, hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra nhiệm vụ, giải pháp Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cụ thể, đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng...; tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất thông minh; đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Xây dựng lộ trình, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế của thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Có chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu khoa học - công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tạo thuận lợi cho trích lập và sử dụng hiệu quả quỹ đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Ban hành cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn thông qua tăng cường chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học. Rà soát, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo hướng không ưu đãi theo diện rộng, dàn trải đến các phân ngành công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn; bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, công nghệ, vốn đầu tư, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp...

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục chồng chéo, bất cập không phù hợp trong chính sách ưu đãi thuế theo ngành, lĩnh vực đầu tư và theo địa bàn; có các chính sách thuế nhằm khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, các công nghệ ưu tiên phát triển, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số; tăng cường chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất, chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa. Thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.

Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện luật chuyên ngành về du lịch, thương mại, đường sắt, bưu chính, công nghệ thông tin, viễn thông và các luật có liên quan; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh xã hội hóa để cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, logistics, du lịch, các dịch vụ mới của nền kinh tế số... Có chiến lược, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm du lịch, trung tâm logistics, trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ khu vực và quốc tế tại một số đô thị.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các cơ chế phù hợp để tạo đột phá cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là đường bộ, đường sắt. Rà soát, sửa đổi pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định liên quan theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng.

Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về đền bù, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất phục vụ cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng. Đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Xây dựng khung tiêu chí và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh, khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển.

Hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư tại nước ngoài, mua bán, chuyển giao công nghệ. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chí giám sát, đánh giá, xếp loại doanh nghiệp nhà nước và người quản lý theo mục tiêu và hiệu quả tổng thể.