"Xây" hành lang pháp lý vận hành sàn giao dịch các-bon

Trần Huyền

Để triển khai thiết lập và vận hành sàn giao dịch các-bon tại Việt Nam, cần thiết phải có khuôn khổ pháp lý. Dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước được xây dựng sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch này trong nước.

Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước. Ảnh: Internet
Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước. Ảnh: Internet

Cần thiết có khuôn khổ pháp lý

Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường mới chỉ quy định những nguyên tắc chung về thị trường các-bon (định nghĩa thị trường các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon, trách nhiệm thành lập và tổ chức vận hành thị trường).

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về đối tượng tham gia thị trường; lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường; việc xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch; việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước; đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; trách nhiệm thành lập và phát triển thị trường các-bon. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những quy định rất chung, mang tính nguyên tắc, chưa đủ cơ sở để thành lập và vận hành sàn giao dịch các-bon trong nước. 

Trong quá trình xây dựng Đề án Thành lập và phát triển thị trường các- bon tại Việt Nam (đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025), Bộ Tài chính đã nhiều lần báo cáo về việc phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho việc thành lập và vận hành sàn giao dịch các- bon. Các bộ, ngành đã có ý kiến và Lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo về nội dung này. Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước.

2 loại hàng hóa trên thị trường

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất quy định hàng hóa trên thị trường các-bon bao gồm 02 loại căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 18 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, khoản 1 mục III Quyết định số 232/QĐ-TTg.

Theo đó, hàng hóa trên thị trường các-bon là hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá. 

Cùng với hạn ngạch phát thải khí nhà kính, hàng hóa trên thị trường các-bon còn có tín chỉ các-bon được xác nhận giao dịch trên thị trường. Trong đó có tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước theo quy định của pháp luật; Tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bà trừ tín chỉ các-bon quốc tế, gồm: Tín chỉ các-bon thu được từ Cơ chế phát triển sạch (CDM); Tín chỉ các-bon thu được từ Cơ chế tín chỉ chung (JCM); Tín chỉ các-bon thu được theo Cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.

Để đảm bảo tính hợp lệ của hàng hóa trên sàn, tính thống nhất của dữ liệu sở hữu phục vụ cho việc giao dịch, lưu ký và thanh toán giao dịch trên thị trường các-bon, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính dự thảo theo hướng các hàng hóa này phải được Bộ Nông nghiệp và môi trường xác nhận và ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia trước khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào hệ thống giao dịch các-bon.

Bộ Tài chính đề xuất quy định đưa hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon ra khỏi hệ thống giao dịch các-bon trong các trường hợp các hàng hóa đáo hạn (hết hiệu lực); các trường hợp khác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường như: trường hợp các khu rừng của các dự án được cấp tín chỉ các-bon bị cháy, các tổ chức tự nguyện sử dụng các tín chỉ các-bon để bù trừ với lượng khí phát thải...

Trong các trường hợp trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong ngày phát hiện có sự kiện dẫn tới việc phải đưa các hàng hóa ra khỏi hệ thống giao dịch.

Về chủ thể tham gia giao dịch, dự thảo Nghị định quy định, đối với hạn ngạch phát thải khí nhà kính, chủ thể là các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. 

Đối với các tín chỉ các-bon được xác nhận, chủ thể là các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia giao dịch tín chỉ các-bon theo quy định của pháp luật về môi trường. 

Bộ Tài chính đề xuất quy định Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm xác nhận tư cách của các chủ thể tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật về môi trường.

Theo Bộ Tài chính, qua trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các hàng hóa trên thị trường các-bon khá đa dạng về chủng loại và nhìn chung không được chuẩn hóa (đối với tín chỉ các-bon). Số lượng các chủ thể tham gia giao dịch trong giai đoạn thí điểm có thể không lớn; thanh khoản trong giai đoạn đầu vận hành có thể không cao theo thông lệ quốc tế.

Theo đó, phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch các-bon là phù hợp với đặc tính sản phẩm và các đối tượng giao dịch trong giai đoạn thí điểm. Phương thức giao dịch này hiện đang được áp dụng cho thị trường công cụ nợ Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. 

Ngoài các nội dung trên, dự thảo Nghị định cũng quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; các tổ chức hỗ trợ giao dịch; ngân hàng thanh toán; phân định trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Giá dịch vụ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam...

Dự thảo Nghị định về sàn giao dịch các-bon trong nước được xây dựng đã cụ thể hóa một số quy định tại Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Đồng thời, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và trước mắt, vận hành thí điểm sàn giao dịch các-bon trong nước theo mục tiêu tại Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.