Xem xét mở rộng đối tượng được xử lý nợ thuế 


Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất Quốc hội mở rộng đối tượng được xử lý nợ thuế thay vì chỉ có 7 đối tượng quy định như trong dự thảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ, không phải ban hành Nghị quyết là xóa ngay được nợ mà phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ, thủ tục thì mới được xử lý nợ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội cho phép xử lý tiền phạt và tiền chậm nộp, chưa xử lý đến tiền nợ thuế gốc. Trong đó, điều kiện tiên quyết để xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Trên thực tế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, thực chất là nợ ảo. Đối với tiền nợ thuế gốc vẫn tiếp tục theo dõi và sẽ được xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 mà Quốc hội vừa thông qua.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, khi Nghị quyết  được Quốc hội ban hành sẽ là văn bản quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ.

Trên tinh thần đó, Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại hội trường, tại tổ để phối hợp với Ủy ban Tài chính – ngân sách hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.

Theo đại biểu Phan Văn Tường - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết đưa ra nhằm giải quyết một phần tồn tại về thuế, góp phần cho những con số trong báo cáo liên quan đến tài chính sách thực hơn, tháo gỡ những khó khăn cho một số người nộp thuế có phát sinh nợ thuế.

Ngoài ra, nghị quyết đã thể hiện tính nhân văn của Nhà nước khi chủ động xóa nợ thuế đối với người nộp thuế là những người đã chết, người bị tòa án tuyên bố đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Với người nộp thuế bị thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ hoặc gặp những tình huống bất khả kháng, thì được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Với người cung ứng hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời dẫn đến phát sinh số tiền nợ thuế.

Với những đối tượng này thì quy định tại nghị quyết chính là chủ động giải quyết những bất cập trong sử dụng vốn. Không chỉ đồng tình với dự thảo nghị quyết, đại biểu Phan Văn Tường còn đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất Quốc hội mở rộng đối tượng được xử lý nợ thuế thay vì chỉ có 7 đối tượng quy định như trong nghị quyết.

Lý do được đại biểu Phan Văn Tường  nêu ra là, nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết, thì vẫn còn tồn tại khoảng 843.095 đối tượng nộp thuế không có khả năng nộp NSNN, cùng với đó là cơ quan thuế vẫn phải rà soát trong vòng từ 1 đến 10 năm kể từ 1/7/2020 với số tiền nợ thuế là 38.399 tỷ đồng. Trong khi đó, với những đối tượng nợ thuế không còn khả năng nộp mà phải đợi đến 10 năm mới được xóa nợ.

Quy định như vậy là gây lãng phí thời gian, công sức trong quản lý với cơ quan thuế và người nộp thuế. Vì vậy, đại biểu Phan Văn Tường đề nghị Quốc hội xem xét có thể quy định xóa nợ thuế ngay trong nghị quyết với những đối tượng nợ thuế là những người đã chết hoặc bị tòa tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cũng cho rằng việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Quản lý thuế hiện hành, đồng thời xử lý nợ thuế tồn tại trong nhiều năm không có khả năng nộp nhưng vẫn phải theo dõi, tính toán tiền phạt chậm nộp và tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý tiền nợ thuế phát sinh đến trước ngày 01/7/2003.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần quy định trách nhiệm nếu để xảy ra việc xóa nợ sai đối tượng. Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, dự thảo nghị quyết quy định xoá tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các đối tượng là người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả năng nộp thuế.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, phải nghiên cứu kỹ và xem xét việc xử lý nợ cho các đối tượng không phải người đã chết, mất tích. Ví dụ như các đối tượng làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động, bởi các đối tượng này rất có thể sẽ thành lập được doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác mà vẫn do pháp nhân đó đứng tên. Điều này không dễ phát hiện.

Đại biểu cũng cho rằng, với đối tượng nợ thuế là người nộp thuế đã chết, thì trên thực tế có những người chết vẫn có người thừa kế pháp lý tức là vẫn tồn tại. Bộ Luật Dân sự có quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, trong đó có các khoản nợ thuế, nợ NSNN. Do đó, trong những trường hợp này, đối tượng thừa kế vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho người chết.