Xếp hạng tín nhiệm để phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam
Xếp hạng tín nhiệm không chỉ đóng góp cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn góp phần hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong hoạt động quản trị rủi ro, hướng theo thông lệ quốc tế và góp phần phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam.
Ngày 25/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Công ty Cổ phần FiinRatings (FiinRatings) và S&P Global Ratings tổ chức Hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng”.
Tham gia Hội thảo có các diễn giả là chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), S&P Global Ratings, FiinRatings, Mizuho Bank (Singapore), GuarantCo, VNBA và đại diện một số ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, đơn vị bảo lãnh, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư trong nước... Những góc nhìn khác nhau về vai trò của xếp hạng tín nhiệm đối với hoạt động cho vay tín dụng của ngân hàng từ các chuyên gia trong nước và quốc tế đã được thảo luận, trao đổi tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA khẳng định, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai, qua đó thúc đẩy các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.
"Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao sẽ giúp ngân hàng có nhiều lợi thế như: Huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, hay vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings, hiện nay, Việt Nam còn thiếu điều kiện để cho người dân đầu tư dài hạn, tiền của dân cư chủ yếu chảy về ngân hàng với gần 7 triệu tỷ đồng tiền gửi. Các công ty bảo hiểm cũng chủ yếu gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ, với lãi suất rất thấp không thể đảm bảo tối đa hoá lợi nhuận cho khách hàng.
"Xếp hạng tín nhiệm sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư có thêm cơ sở để đa dạng hoạt động đầu tư từ đó đa dạng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế", ông Thuân cho biết.
Ông Thuân cho rằng, các thành viên trên thị trường cần chung tay với nhau để có những bước đi trước kể cả khi chưa có quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm.
“Xếp hạng tín nhiệm không phải là cây đũa thần, nhưng chúng tôi tâm niệm để thị trường phát triển thì phải có niềm tin. Doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ minh bạch trên thị trường vốn để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Đây là điều cần sự nỗ lực của nhiều bên, không chỉ từ các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,…mà còn của doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư,…”, ông Thuân nói.
Không chỉ với doanh nghiệp mà xếp hạng tín nhiệm cũng có vai trò quan trọng với các ngân hàng thương mại vì họ cũng là những tổ chức phát hành công cụ nợ phổ biến tại Việt Nam. Việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức tín dụng cũng sẽ góp phần cải thiện sự vận hành của thị trường vốn Việt Nam, thông qua thị trường liên ngân hàng, thị trường tiền tệ, hoạt động tài trợ thương mại và cơ chế phân bổ tài sản của các định chế đầu tư như công ty bảo hiểm.