Xu hướng doanh nghiệp sử dụng mật mã dân sự ngày càng tăng
Theo thống kê của Ban Cơ yếu Chính phủ, hiện đã có 41 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mật mã dân sự (MMDS), với hơn 900 mã sản phẩm MMDS, 59 giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS được cấp phép.
Ngày 8/8, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Đẩu mạnh ứng dụng sản phẩm mật mã dân sự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ cho hay, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại nhiều thành quả quan trọng đối với kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đồng thời xuất hiện những nguy cơ mới về mất an toàn thông tin.
Đặc biệt với xu thế kết nối Internet of Thing, sự phát triển của hạ tầng băng rộng được dự đoán sẽ tạo ra tiềm lực mạnh mẽ cho sự phát triển và mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, chính sự kết nối này cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ, rủi ro, gây mất an toàn đối với người sử dụng. Càng nghiêm trọng hơn, những rủi ro này lại xảy ra ở những hệ thống thông tin quan trọng như trong lĩnh vực tài chính, điện lực, ngân hàng, hàng không...
“Trong một xã hội thông tin với sự toàn cầu hóa như hiện nay, mật mã dân sự giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Hơn nữa, gần đây nhu cầu phát triển, sử dụng các sản phẩm mật mã, an toàn thông tin ngày càng gia tăng cả về quy mô, số lượng chủng loại.
Sản phẩm mật mã không chỉ được sử dụng để bảo mật thông tin bí mật của nhà nước mà được sử dụng ngày càng rộng rãi để bảo vệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng chia sẻ.
Theo luật an toàn thông tin (ATTT) mạng năm 2015, mật mã dân sự (MMDS) là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vị bí mật nhà nước.
Do đó, việc quản lý nhà nước về MMDS sẽ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm MMDS, quản lý chất lượng sản phẩm MMDS;
Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ bảo mật và an toàn thông tin, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm MMDS đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Mặt khác, ngăn ngừa việc lợi dụng nghiên cứu, sản xuất, sử dụng MMDS xâm hại đến an ninh quốc gia, ông Đặng Vũ Sơn cho biết.
Tại Hội thảo, Ban cơ yếu Chính phủ cùng các cơ quan tổ chức ứng dụng sản phẩm dịch vụ MMDS, các hãng bảo mật và doanh nghiệp kinh doanh MMDS đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về MMDS, trong đó có việc cấp phép kinh doanh, cấp phép xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS. Đây là nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Đồng thời, các đơn vị đã cùng trao đổi về việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mật mã dân sự, các giải pháp kỹ thuật, các công nghệ, sản phẩm bảo mật tiên tiến trên thế giới đã và đang được triển khai ở Việt Nam.