Xử lý bài toán về vốn để phát triển khu công nghiệp
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD.
Nhu cầu vốn đầu tư lớn
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 30 năm hình thành và phát triển hệ thống các khu công nghiệp ở Việt Nam đã bao phủ 61/63 tỉnh thành (trừ 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa có khu công nghiệp được thành lập).
Tính đến hết năm 2023, cả nước có 414 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.688 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 89.126 ha, chiếm 69% diện tích đất của các khu công nghiệp đã thành lập.
Trong số 414 khu công nghiệp đã thành lập nêu trên có 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút đầu tư, với tổng diện tích đất tự nhiên 89.171 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 61.116 ha; 121 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản có tổng diện tích tự nhiên 39.517 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của 293 khu công nghiệp đang hoạt động là 46.551 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 74%.
Ngoài ra, cả nước còn 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 21 tỉnh biên giới đất liền với tổng diện tích 766.000 ha và 18 khu kinh tế ven biển tại 17 tỉnh, thành phố ven biển với tổng diện tích mặt đấtvà mặt nước gần 871.523 ha.
TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), cho biết trong những năm gần đây, chi phí đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp có xu hướng tăng nhanh. Theo tính toán của ISC, dựa trên đơn giá đền bù đất của các địa phương, chi phí sản lấp mặt bằng và định mức xây dựng bình quân của Bộ Xây dựng thời gian qua, tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp đến hết năm 2022 đạt khoảng 28 tỷ USD; trong đó vốn đầu tư nước ngoài 9,3 tỷ USD (nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 19 tỷ USD.
Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến hết năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930 ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000 ha khu công nghiệp, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000 ha.
Hiện đơn giá đền bù đất, giải phóng mặt bằng và định mức xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã được điều chỉnh tăng so với giai đoạn trước. Theo khảo sát của ISC, ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha.
“Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD. Nhu cầu thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp rất lớn”, ông Thành nói.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Nhu cầu là rất lớn, song thực tế cho thấy còn khá nhiều bất cập khiến dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp chưa được như kỳ vọng. Theo các chuyên gia, nếu không sớm khắc phục, những rào cản này sẽ cản trở sự phát triển của hệ thống khu công nghiệp và cả nền kinh tế.
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện có sáu nguồn vốn đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp. Đó là ngân sách nhà nước dưới hình thức vốn mồi, ưu đãi, miễn/giảm thuế, nhà ở xã hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; vốn nước ngoài gồm vốn vay, phát hành trái phiếu, bán cổ phần; vốn huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư; vốn khách hàng đặt cọc; vốn tín dụng và vốn tự có, vốn góp của doanh nghiệp.
Phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia nêu ra những khó khăn vướng mắc liên quan đến phát triển khu công nghiệp bao gồm: khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng; nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp còn rất hạn chế dẫn đến việc hạ tầng chưa hoàn thiện, quá trình xây dựng chậm trễ kéo dài nên khó thu hút đầu tư.
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng khu công nghiệp còn thấp so với nhu cầu. Đơn cử, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, nguồn vốn đã bố trí để hỗ trợ phát triển hạ tầng khu công nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 53% so với nhu cầu.
Đối với việc huy động nguồn vốn từ các kênh khác, do công tác định giá đất còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng; đồng thời, sự trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp…
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho các khu công nghiệp tính đến hết tháng 11/2023 đạt 67,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ kinh doanh bất động sản và tăng hơn 68% so cuối năm 2022 (cao hơn mức tăng gần 22% của tín dụng kinh doanh BĐS và cao hơn và mức tăng 13,7% tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023). “Đây là mức tăng trưởng khá nhanh nhưng quy mô còn thấp so với nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống khu công nghiệp trong cả nước”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Để huy động được nguồn vốn lớn đầu tư vào các khu công nghiệp trong những năm tới, các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần có những thay đổi căn bản trong việc khơi thông các dòng vốn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi các yếu tố sản xuất và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo TS Cấn Văn Lực, các giải pháp cần xúc tiến triển khai là sớm hoàn thiện thể chế; đẩy nhanh tốc độ rà soát và tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các dự án bất động sản khu công nghiệp; quyết liệt thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được duyệt và tăng tốc giải ngân đầu tư công để nâng cấp hạ tầng kết nối các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa tiêu chí khu công nghiệp sinh thái với những chính sách ưu đãi, sớm giải quyết những tồn tại trên thị trường tài chính; đa dạng hóa các định chế tài chính bất động sản để khơi thông các kênh huy động vốn.
Đưa ra lời khuyên cho Việt Nam về định hướng phát triển khu công nghiệp, ông Yutaka Morimoto, cựu Giám đốc Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng lưu ý hai điểm. Đó là cần chỉ ra sự khác biệt của Việt Nam với các nước trong thu hút đầu tư là gì (như lợi thế nguồn nhân lực) và sớm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra sự liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng vì các nhà đầu tư nước ngoài thường mong muốn có nguồn cung ứng ngay tại quốc gia nhận đầu tư.