Xử lý dự án “treo” ở Hà Nội, cái khó bó cái khôn
Hà Nội hiện có gần 400 dự án “treo” gây lãng phí tài nguyên đất, mất mỹ quan đô thị, nhưng việc thu hồi dự án không đơn giản. Vậy cách nào để giải bài toán khó này?
Hàng trăm dự án “treo” cần xử lý
Ngày 23/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đó, Thủ tướng chỉ thị, đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội, thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quý III/2019.
Trước đó, liên quan đến các dự án “treo” cụ thể, Thủ tướng Chính phủ cũng đã lần thứ hai yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý phản ánh liên quan đến gần 2.000 ha đất dự án tại huyện Mê Linh bị bỏ hoang. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đôn đốc các địa phương thu hồi lại dự án “chết”.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 380 dự án chậm tiến độ, cho thấy việc khai thác đất không lợp lý.
“Chúng ta quản lý chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án. Chính vì vậy, đã tác động đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Rất nhiều mảnh đất vàng chúng ta muốn quy hoạch phát triển đồng bộ như ở khu vực Cầu Giấy để tạo thành trung tâm mới của Thủ đô, nhưng lại để hoang hóa hàng chục dự án. Rõ ràng ở đây thiếu sự giám sát”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Để xử lý các dự án “treo”, thời gian qua, Hà Nội cũng đã đưa ra những biện pháp mạnh tay, trong đó có việc “bêu tên” các dự án, ra hạn định, đặc biệt là cuối năm 2018, địa phương này đã thu hồi, chấm dứt hoạt động 16 dự án.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, chuyên gia về đất đai, nhiều năm nay, tình trạng vi phạm đất công diễn ra phức tạp và nhức nhối. Một số địa phương đã có quyết định thu hồi những quỹ đất công vi phạm pháp luật, đây là tín hiệu rất tốt và đáng mừng.
Cần sự kiên quyết, đồng nhất
Theo các chuyên gia, câu chuyện thu hồi đất của các dự án “treo” luôn là vấn đề phức tạp, bởi còn những vấn đề nhất định về mặt khung chính sách pháp luật, vấn đề về thể chế, quản lý chưa có sự đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nếu đất đai đã giao mà doanh nghiệp không triển khai, thì cần phải xem xét tại sao không triển khai và cần kiên quyết thu hồi nếu do năng lực chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, bởi nếu chính quyền muốn thu hồi, thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Thực tế, với những khó khăn, phức tạp, nên hiện có dự án bị “treo” cả chục năm, nhưng vẫn chưa thể thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.
Để giải quyết bài toán này, theo các chuyên gia, trong quy hoạch sử dụng đất hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch chuyển đổi chức năng, cần phải rà soát lại các diện tích đất đã giao nhưng khai thác không hợp lý, hoặc khai thác không đúng chức năng và đề ra được biện pháp hợp lý, tránh thất thoát lãng phí tài nguyên.
Đối với những khu đất vàng đang bị bỏ hoang hiện nay, cần phải được rà soát, xem xét để thực hiện thu hồi, thay chủ đầu tư có năng lực đảm nhận chức năng của phần đất đã được phê duyệt. Ngoài ra, cần có cuộc trao đổi gắn kết giữa các nhà quản lý, lãnh đạo với các chủ đầu tư để nắm được những khó khăn, qua đó tìm ra cách tháo gỡ để dự án được triển khai. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là phải đặt lợi ích chung, lợi ích phát triển bền vững của cộng đồng.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều cách để thực hiện, quan trọng là TP. Hà Nội sẽ lựa chọn cách nào để xử lý và vấn đề đặt ra là cần sự kiên quyết, đồng nhất.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XIV (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần kiên quyết xử lý những dự án “treo” tại “đất vàng” theo đúng luật. Các dự án đất vàng này có 2 loại, với khu đất giao cho các nhà đầu tư tư nhân nhằm mục đích đầu tư dự án thương mại, khi đã quá hạn nhưng chủ đầu tư không xin gia hạn tiếp 12 tháng, thì phải thu hồi. Kể cả khi chủ đầu tư xin gia hạn, nhưng sau 12 tháng vẫn không triển khai được thì vẫn phải tiến hành thu hồi.
Với khu đất giao cho các cơ quan, bộ, ngành xây trụ sở, nhưng vì phụ thuộc rất lớn vào việc phân bổ đầu tư công, nếu có chậm tiến độ bị thu hồi vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước. Thực tế, tại Hà Nội, có nhiều dự án tồn tại nhiều năm, nhưng không bị thu hồi do không thực hiện nghiêm việc này.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, để xử lý đối với trường hợp này, địa phương cần có một chế tài phù hợp và kiên quyết. Sau một thời gian dài chạy theo sự phát triển, chắc chắn sẽ có những dự án gặp sai sót về thủ tục đầu tư. Theo quy định, sau 24 tháng được giao đất mà chủ đầu tư không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, việc thanh tra, kiểm tra là nên làm, cần thiết, nhưng cần phải đi đúng hướng, đúng mục đích, đúng đối tượng, năng lực của nhà phát triển dự án. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không dự án “treo” lại tái diễn.
Còn theoTS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, với việc Hà Nội đang vươn lên để hoàn thành công nghiệp hóa - hiện đại hóa đi trước cả nước, muốn nâng tầm thu nhập bình quân, bên cạnh việc khai thác nguồn lực khác cần khẳng định nguồn lực từ việc khai thác đất hợp lý và hiệu quả.
“Những con số về diện tích đất sử dụng sai mục đích được thông báo trong thời gian qua rõ ràng là một tiềm năng rất lớn cho Hà Nội phát triển nếu biết tận dụng và khai thác hợp lý”, TS. KTS. Đào NgọcNghiêm nhấn mạnh.