Xử lý nghiêm hành vi trục lợi bảo hiểm để lành mạnh thị trường

V.Long

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu mua bảo hiểm của người dân cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, có hệ thống, tổ chức. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà về lâu dài nó sẽ trở thành vấn nạn nếu như không có một chế tài thống nhất, đủ mạnh để trấn áp, ngăn chặn.

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ năm 2008-2017, có trên 78.000 vụ trục lợi bảo hiểm với số tiền bị trục lợi khoảng 1.100 tỷ đồng, trung bình tổn thất 110 tỷ đồng/năm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ có từ 6-28% số vụ yêu cầu bồi thường bảo hiểm là trục lợi, tùy từng doanh nghiệp bảo hiểm.

Phân tích về tình trạng này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã chỉ ra một số hành vi gian lận trong bảo hiểm phố biến hiện nay như: Kê khai gian dối thông tin cá nhân, làm giả giấy tờ, cố ý gây thương tích cho người được bảo hiểm và tạo hiện trường giả, tự gây thương tích cho chính mình để đòi tiền bảo hiểm, khai tăng giá trị tổn thất…

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Công ty Luật TNHH TGS, khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định các bên khi giao kết hợp đồng phải cung cấp đầy đủ thông tin và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp. Do đó, tùy tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Đối với hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Tuy nhiên, hành vi này chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, còn người mua bảo hiểm sẽ không bị xử phạt hành chính.

Đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường của người mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Hành vi gian lận trong bảo hiểm nhân thọ để trục lợi bảo hiểm trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Luật sư, nguyên nhân chính của tình trạng trục lợi bảo hiểm là do hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về chế tài đối với người mua bảo hiểm, các biện pháp xử lý vi phạm đối với trường hợp này còn nhẹ; áp dụng các văn bản pháp luật khác có liên quan để xử lý dẫn đến chồng chéo.

Trước thực trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm có chiều hướng gia tăng, cần có những biện pháp khắc phục và chế tài xử lý đủ mạnh trong trường hợp người mua bảo hiểm có hành vi gian dối, khai báo không đúng sự thật. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu khắp phục hậu quả nhưng vẫn tiếp tục tái phạm thì áp dụng các quy định của pháp luật hình sự để xử lý. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cần phải có kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.

Các chuyên gia pháp lý cũng kiến nghị, việc đấu tranh chống các hành vi trục lợi bảo hiểm không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành, mà cần sự kết hợp, hỗ trợ, vào cuộc của các bên liên quan.

Để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, tạo động lực cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển một cách bền vững, Luật sư này cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường bảo hiểm vận hành theo chuẩn mực quốc tế, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thực hiện kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình hoạt động.

Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên theo sát diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi trục lợi, không tuân thủ các yêu cầu tài chính... làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.

“Trong thời gian tới, khi có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cùng tham gia chia sẻ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đối với các dịch vụ bảo hiểm bắt buộc theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới, các cơ quan chức năng cần xây dựng các quy tắc về quản lý ngành, vừa đảm bảo theo đúng thông lệ quốc tế vừa phải cân đối với việc bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước”, Luật sư Hà nêu quan điểm.

Theo Giảng viên Bạch Thị Nhã Nam - Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia bảo hiểm, cần quy định linh hoạt các chế tài dân sự theo mức độ vi phạm đối với nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Cụ thể, đối với những thông tin được cung cấp bởi bên mua bảo hiểm trước khi giao kết hợp đồng, nếu doanh nghiệp bảo hiểm chứng minh được những thông tin đó là do bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp sai sự thật thì hợp đồng phải được tuyên vô hiệu; nếu việc cung cấp thông tin sai sự thật sau khi giao kết hợp đồng hay trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện được việc này thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và chỉ hoàn trả lại một phần phí bảo hiểm cho khoảng thời gian chưa được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chế tài hành chính cho các hành vi gian lận trong bảo hiểm nhân thọ và tăng mức xử phạt cao hơn mức quy định hiện tại để tạo tính răn đe và phòng ngừa; bổ sung quy định xử lý đối với hành vi gian lận như giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên nhiều lần tương xứng với mức độ thiệt hại mà xã hội và các chủ thể trong quan hệ bảo hiểm phải gánh chịu.

Ngoài ra, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng xác định cụ thể các hành vi không kê khai trung thực, đánh tráo tài sản nhằm trục lợi, tạo dựng hiện trường giả, lập hồ sơ khống, lập hồ sơ không trung thực... phải chịu trách nhiệm hình sự.