Xử lý nợ xấu cũng chỉ là một nghề!
(Tài chính) Quan điểm này được ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay.
Dưới góc độ của một nhà quản lý kinh tế, ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế năm 2014?
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng.
Thực ra những yếu tố tích cực trong năm 2014 đã được thể hiện qua sự thay đổi rất cơ bản về các chính sách kinh tế và đặc biệt là đầu tư công. Hai yếu tố đó cùng với cái sự tăng trưởng của xuất khẩu do các nền kinh tế thế giới hồi phục đã giúp Việt Nam có sự phát triển nhanh hơn so với trước. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam đó là sức cầu, hiện chúng ta mới chỉ tập trung đẩy mạnh sức cầu về mặt đầu tư mà chưa chú trọng về mặt tiêu dùng. Mà sức cầu tiêu dùng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có hoạt động của hệ thống doanh nghiệp (DN). Và trên tất cả chính là lòng tin của nhà đầu tư, DN, người dân vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Nếu thúc đẩy được điều này, giải phóng được trí tuệ và nguồn lực từ trong dân thì đó sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho thời gian tới. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự tăng trưởng, bởi vì hiện các chính sách của Chính phủ được ban hành đang đi theo chiều hướng đó.
Thưa ông, một trong những điểm yếu của nền kinh tế chưa được đề cập tới đó là nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Là người có kinh nghiệm và thâm niên trong nghề, ông có nhận định gì về vấn đề này?
Nợ xấu là từ rất “mốt” hiện nay song nợ xấu không phải là vấn đề của ngân hàng riêng lẻ mà là của cả nền kinh tế. Ngân hàng chỉ là một trong những tổ chức có tham gia vào việc hình thành nên nợ xấu do sự yếu kém trong quản lý chứ ngân hàng không phải là gốc rễ của nợ xấu. Gốc rễ của nợ xấu là nằm ở nền kinh tế, ở hệ thống phát triển nhu cầu tiêu dùng. Cho nên, nếu cứ nhắc đến nợ xấu là lại nghĩ đến ngân hàng thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Bản thân tôi cho rằng, nợ xấu chẳng có gì đáng lo ngại nếu như nó nằm trong vòng kiểm soát. Chúng tôi luôn xác định xử lý nợ xấu là một nghề vì bản bản thân hoạt động của ngành ngân hàng phải có nợ xấu, còn tính chất nhiều hay ít lại tùy thuộc vào sự biến động của ngành ngân hàng. Một nền kinh tế với 6 năm liên tục bị khủng hoảng mà không có nợ xấu mới là chuyện lạ. Vì thế vấn đề nợ xấu cần được tiếp cận dưới góc độ khác, đó là làm sao thúc đẩy cải cách, đây mới thực sự là những yếu tố nền tảng nhất.
Vậy quan điểm của ông về xử lý nợ xấu như thế nào?
Nợ xấu chẳng qua chỉ là biểu hiện của mối quan hệ giữa ngân hàng và DN, vì vậy, không nên nói quá nhiều về nợ xấu mà hãy nói tới nợ tốt. Còn việc xử lý nợ xấu thì hãy cứ thúc đẩy tiêu dùng để sản xuất đi lên. Khi ấy nợ xấu tự khắc sẽ giảm dần.
Đến thời điểm này, đã có dự báo đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ cao hơn so với năm 2014 trong khi kinh tế thế giới đang khởi sắc. Trên cơ sở này chúng tôi cho rằng kịch bản kinh tế cho năm sau chắc chắn sẽ cao hơn so với năm 2014. Điều đáng lo nhất trong năm sau có lẽ chính là các xung đột quốc tế có thể gây ra sẽ gây nên sự trì hoãn cho kinh tế và điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế nước ta. Bên cạnh đó có thể sự thiếu ổn định nào đó về mặt xã hội của Việt Nam cũng sẽ có những tác động tiêu cực tới lòng tin của người dân và như vậy nó sẽ làm chậm quá trình đầu tư và sản xuất tiêu dùng. Với hệ thống ngân hàng, ngoài những dự báo thuận lợi thì đều đã đưa kịch bản xấu nhất xảy ra và có những theo dõi, đánh giá, xử lý kịp thời.
Xin cảm ơn ông!