Xử lý nợ xấu ở Việt Nam và kinh nghiệm của Nhật Bản

Nghi Thu

TCTC Online - Nợ xấu ở Việt Nam hiện nay ở mức báo động, nhu cầu xử lý nợ là rất lớn, gắn với xử lý nợ là việc tái cơ cấu doanh nghiệp (DN). Đây là một trong những nội dung quan trọng thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về quản lý nợ xấu trong quá trình tái cấu trúc DNNN” do Bộ Tài chính phối hợp với Trung tâm hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức mới đây.

DATC và sứ mệnh xứ lý nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2008 tới nay. Theo báo cáo của các ngân hàng, tính tháng 6/2012, nợ xấu toàn hệ thống là 117.723 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 3,96% tổng dư nợ, dư nợ của khối ngân hàng cổ phần khoảng 4,54% tổng dư nợ. Trong khi đó, con số nợ xấu do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước công bố lại lớn hơn rất nhiều, gần 202.000 tỷ đồng, tương đương 8,6%. Trong đó, theo Chánh Thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa, nợ nhóm 5 - nhóm có nguy cơ mất vốn - chiếm 40% tổng nợ xấu.

Một Ủy viên của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng từng nhận định, trong số hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 8,6% tổng dư nợ của toàn hệ thống, có hai “con nợ” chiếm tỷ lệ nợ xấu cao nhất, trong đó có DNNN. Một số ý kiến gần đây cũng khẳng định, có đến 70% nợ xấu ngân hàng là của các DNNN, còn nợ của tư nhân chỉ chiếm phần nhỏ. Trong cuộc trả lời trực tuyến hồi tháng 7, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết, tính bình quân, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1,36 lần. Trong số đó, có tới 30 DN có số nợ vượt quá 3 lần. Điểm mặt những “con nợ” xấu thì hầu hết đều là những tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. So sánh tổng vay nợ ngân hàng của các DNNN, thì con số này chiếm gần một nửa tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng…

Tình hình nợ xấu trong nền kinh tế cho thấy vai trò quan trọng của các tổ chức xử lý nợ xấu. Hiện nay, hệ thống ngân hàng cũng có các công ty chuyên xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quy mô xử lý nợ xấu của công ty này chưa thể đáp ứng như kỳ vọng so với khối u nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng cũng như của nền kinh tế. Gần đây, cũng có nhiều ý kiến về thành lập công ty chuyên xử lý nợ xấu ngân hàng nhưng đến nay vẫn còn ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của công ty này.

Trên thực tế, để xử lý nợ xấu của các DNNN, năm 2003, theo Quyết định số 109/2003/QĐ - TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của DN (DATC) đã được thành lập. Đây là DN 100% vốn Nhà nước trực thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính. DATC có nhiệm vụ chính là mua để xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các DN, thức đẩy tái cơ cấu DN.

Trong giai đoạn đầu hoạt động, DATC chủ yếu tập trung hoạt động tiếp nhận xử lý nợ theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ năm 2007 đến nay, DATC đã hướng hoạt động của mình vào trọng tâm chính là “Xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN”. Lũy kế từ năm 2007 đến ngày 31/12/2011, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 72 DN khách nợ, gồm 44 DN đã hoàn thành và 28 DN đang triển khai, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toàn là 6.256,069 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 1.640,347 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 26,2%), đã thu hồi được 1.486,374 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi đạt 90,6%...

Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo, theo đại diện của DATC, hiện Công ty này đang có hai mục tiêu mâu thuẫn với nhau. DATC được giao nhiệm vụ đóng vai trò là công cụ của Chính phủ trong việc xử lý nợ tồn đọng hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của DNNN, song lại được yêu cầu phải có hiệu quả kinh tế trong mỗi giao dịch mua bán nợ, đảm bảo an toàn và phát triển vốn giống như một DN kinh doanh thông thường của Nhà nước. Trong khi đó, trên thực tế hoạt động mua bán, xử lý nợ tồn đọng, đặc biệt là nợ tồn đọng liên quan đến DNNN là rất rủi ro do các khoản nợ này về bản chất, chất lượng rất xấu, rất dễ gây thua lỗ. Mục tiêu tạo ra lợi nhuận rõ ràng là khó khăn và trong thực tế thường không thể đạt được được cho tất cả các trường hợp.

Bên cạnh đó, các chính sách áp dụng cho hoạt động của DATC có nhiều bất cập làm cho công ty này khó có thể thực thiện tốt nhiệm vụ được giao. Yêu cầu phải hoạt động có lãi làm cho DATC có xu hướng “sợ rủi ro” trong mua bán nợ, chỉ mua những khoản nợ nào chắc chắn có lãi. Do vậy, số lượng các giao dịch, quy mô nợ đã mua và xử lý của DATC rất thấp do với yêu cầu của nền kinh tế. Để sử dụng vốn kinh doanh còn nhàn rỗi, trước đây DATC đã đầu tư mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư cổ phiếu của ngân hàng và DN mà không phải là một phần trong hoạt động giải quyết nợ xấu.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc DATC cho biết, tới đây, để giúp DATC hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cần có những giải pháp nhằm tăng cường vai trò và hoạt động của DATC, cụ thể:

Thứ nhất, thống nhất định hướng, cách tiếp cận và xây dựng chiến lược cho DATC phủ hợp với tình hình kinh tế và chủ trương của Chính phủ.

Thứ hai, phân công rõ ràng vai trò và giao cho DATC có những quyền hạn nhất định trong việc tái cơ cấu DNNN.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định đang hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của DATC.

Thứ tư, tăng quyền chủ động cho DATC hơn trong việc giải quyết nợ xấu, nhằm đa dạng các hình thức xử lý nợ.

Thứ năm, cải thiện năng lực tài chính để từ đó DATC có thể tham gia sâu hơn vào chương trình tái cơ cấu DNNN.

Thứ sáu, tăng cường quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về xử lý nợ xấu. Cụ thể, bất kỳ tổ chức nào ngân hàng nào có nợ xấu vượt qua mức cho phép thì phải bán/chuyển giao nợ xấu cho DATC hoặc bị hạn chế một số hoạt động cho đến khi xử lý được nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu đến mức chấp nhận được để đảm bảo an toàn cả hệ thống tài chính ngân hàng.

Thứ bảy, ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt đối với trường hợp tái cơ cấu, chuyển đổi các DNNN không còn vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Thứ tám, cải tiến cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực cho DATC. Theo đó, bằng việc tham gia vào bộ máy quản lý của một số DNNN, bao gồm các tổng công ty, DATC sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận được các thông tin và dữ liệu đáng tin cậy của các DNNN để hiểu hơn tình hình kinh doanh và có cách thức xử lý nợ xấu phù hợp.

Có thể nói, DATC có vị trí rất phù hợp để tham gia nhiều hơn vào hoạt động xử lý nợ ở Việt Nam và qua đó thực hiện tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, đại diện của DATC cũng thừa nhận rằng, vai trò và hoạt động của DATC phụ thuộc vào quan điểm, định hướng của Chính phủ sử dụng DATC như thế nào trong chiến lược chung về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DNNN để từ đó xây dựng các chính sách phù hợp cho DATC hoạt động.

Và kinh nghiệm của Nhật Bản

Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về quản lý nợ xấu trong quá trình tái cấu trúc DNNN” lần này, ông Kotegawa Daisuke, Chuyên gia đặc biệt của JICA trong lĩnh vực tái cấu trúc DNNN cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về xử lý nợ xấu trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản.

Theo chuyên gia này, Nhật Bản từng trải qua 4 giai đoạn khủng hoảng tài chính, gồm: Giai đoạn 1 (1992-1993), giai đoạn 2 (1995), giai đoạn 3 (1997-1998) và giai đoạn 4 (2001 - 2002).

Trong giai đoạn 1, khủng hoảng tài chính đã làm cho nợ khó đòi tăng lên giữa các ngân hàng Nhật Bản, khiến cho giá cả tăng nhanh và nền kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ. Tại thời điểm đó, Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa đã đề xuất phương án bơm vốn công để bình ổn hệ thống tài chính trong nước song giải pháp này đã không được thực hiện. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã triển khai gói kích cầu kinh tế. Bên cạnh đó, thông qua sáng kiến của một số ngân hàng lớn, Công ty mua tín dụng hợp tác xã (CCPC) đã được thành lập (tháng 1/1993) để mua các khoản nợ vay từ ngân hàng có thể thế chấp để thanh lý bất động sản cầm cố.

Trong giai đoạn thứ 2, cụ thể tháng 12/1994, hai hợp tác xã tín dụng gồm Hợp tác xã Tokyo – Kyowa và Anzen bất ngờ bị phá sản. Đây là trường hợp phá sản đầu tiên của ngân hàng trong ngành Tài chính của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ II. Bên cạnh đó, một số ngân hàng nhỏ và các định chế tài chính thế chấp cũng rơi vào tình trạng bi đát tương tự. Ngay sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập “Ngân hàng tiếp quản” (ngân hàng Tokyo Kyodo) và ngân hàng này đã hợp tác với các ngân hàng lớn và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp quản các định chế tài chính phá sản. Tháng 9/1996, Ngân hàng Tokyo Kyodo được tái cơ cấu thành “Ngân hàng Giải quyết và Thu nợ” (JRCC) để mở rộng lĩnh vực hoạt động. Tháng 12/1996, Chính phủ Nhật Bản phê duyệt bơm gói vốn công trị giá 6.850 USD tỷ USD với mục đích đền bù cho thiệt hại của các định chế tài chính thế chấp. Tuy nhiên, việc làm này đã khiến cho công luận chỉ trích gay gắt Chính phủ và giới ngân hàng.

Trong giai đoạn thứ 3, hàng loạt các định chế tài chính, trong đó có cả ngân hàng và các công ty chứng khoán lớn đã bị phá sản đồng loạt chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay sau đó, gần như thị trường tài chính - tiền tệ Nhật Bản rơi vào tình trạng tê liệt. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra hàng loạt các giải pháp, bao gồm: Bơm vốn công giúp tăng vốn cho một số ngân hàng lớn với khoảng 18,1 tỷ USD, xây dựng các khung pháp lý tài chính mới, áp dụng cơ chế “ngân hàng cầu nối” cho các ngân hàng gặp khó khăn, giảm mức lãi suất mục tiêu xuống con số 0…

Trong giai đoạn khủng hoảng thứ 4, Nhật Bản đã quyết định tiến hành nhiều vụ hợp nhất và sáp nhập ngân hàng, nhằm hoàn thành sớm và đầy đủ việc giải quyết nợ khó đòi ở các ngân hàng lớn, đồng thời giới hạn và thay đổi cơ chế hỗ trợ của ngân hàng. Theo đó, đối với các ngân hàng lớn, bắt buộc xóa bợ khó đòi khỏi Bảng cân đối kế toán trong 2 đến 3 năm, đưa ra mục tiêu định lượng áp dụng với các ngân hàng lớn như tỷ suất nợ khó đòi/tổng tài sản phải giảm dưới một nửa mức hiện tại tính đến năm tài chính 2004, thành lập Tập đoàn Tái thiết Công nghiệp (IRCJ) nhằm hỗ trợ các DN trong quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt, sau khi IRCJ chính thức đi vào hoạt động, hàng loạt DN đã được đưa vào danh sách tái thiết như: 4 tập đoàn bất động sản lớn nhất nước, 4 công ty vận tải, các công ty sản xuất công nghệ cao… Động thái này của Chính phủ Nhật Bản đã tạo nên một làn sóng sáp nhập và mua bán công ty trong giai đoạn 2004 – 2006 và sau đó đã góp phần vô cùng quan trọng trong việc tái cấu trúc nền công nghiệp cũng như nền kinh tế Nhật Bản.