Xử phạt 3 vụ việc vi phạm về kinh doanh thiết bị y tế
Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin diễn biến thị trường hàng hóa trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, QLTT đã kiểm tra xử lý 3 vụ vi phạm kinh doanh thiết bị y tế, xử phạt gần 33 triệu đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/03/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, Tổng cục QLTT đã báo cáo công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 12h00 ngày 27/7 đến 12h00 ngày 28/7/2020.
Qua báo cáo cho thấy, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố này cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; không có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại địa phương.
Điển hình tại Đà Nẵng, tính từ 0h ngày 28/7/2020, các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Liên Chiểu đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh hàng hóa và các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn thành phố đồng loạt tạm ngừng hoạt động. Tại các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, lượng người mua trang thiết bị phòng dịch ít hơn so với các ngày trước đó. Trên các tuyến đường trong địa bàn thành phố, các phương tiện đi lại giảm đáng kể so với ngày bình thường, tình hình tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố lượng người mua - bán thưa thớt.
Trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, giám sát 2 vụ; xử lý 1 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm 32,5 triệu đồng. Như vậy, lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 28/7/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 9.293 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính 4,95 tỷ đồng.
Ngày 28/7/2020, Đội QLTT số 5, Cục QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra đột xuất tại địa chỉ số 123/34 Mẹ Suốt (Kiệt 01/123/34 Phạm Như Xương cũ) phát hiện một lượng lớn khẩu trang có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm đếm, lô hàng khẩu trang trên có tổng cộng 21.000 chiếc (gồm 15.000 chiếc khẩu trang loại 3 lớp và 6.000 chiếc khẩu trang 4 lớp); cùng 1 số bao bì để đóng hộp.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Phan Thị Hoan (sinh năm 1994, trú tại Nghi Ân, TP. Vinh, Nghệ An) chủ lô khẩu trang không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của lô hàng khẩu trang. Hiện, Đội QLTT đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số khẩu trang trên, tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại An Giang, ngày 28/7/2020, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh An Giang) đã kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp tập kết hàng hóa, không người thừa nhận chủ sở hữu. Theo đó, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ hàng hoá gồm 2.500 chiếc khẩu trang Bayoka sản xuất tại Việt Nam, loại 4 lớp, 50 miếng/hộp, sản xuất tại Công ty TNHH Tân Thái Bình Dương (số 180, Lò Siêu, phường 12, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Cục QLTT tỉnh An Giang kết thúc xử lý 1 vụ việc với 2 hành vi vi phạm buôn bán hàng hoá chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng đối với 7.500 cái khẩu trang (hàng hóa chưa tiêu thụ) với số tiền xử phạt 30 triệu đồng; Buôn bán hàng hoá có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá với 750 cái khẩu trang cao cấp siêu kháng khuẩn Khang Việt, số tiền xử phạt 2,5 triệu đồng. Tổng số tiền xử phạt là 32,5 triệu đồng.
Thời gian tới, Tổng Cục QLTT sẽ tiếp tục đôn đốc lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế.