Xử phạt đồ nhái, giả mạo trên 1,4 tỷ đồng
Bên cạnh đó đã có hơn 200.000 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu bị tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm.
Thông tin trên đã được Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra khi nói về tình hình hoạt động trong 9 tháng năm 2016.
Cụ thể, trong thời gian qua, Thanh tra Bộ đã thực hiện 48 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh với tổng số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng. Buộc tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 205.444 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu.
Nói về thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay, ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chủ yếu những mặt hàng loại này có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua đường cửa khẩu. Mặc dù biết đây là vi phạm nhưng các đối tượng kinh doanh trong nước vẫn làm vì có lợi nhuận cao.
"Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ trong việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản", người đứng đầu Thanh tra Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ nói.
Cũng trong dịp này, Thanh tra Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tiêu hủy 2.349 sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu như Dior, Hermes, H&M, Louis Vuitton… Toàn bộ số tang vật vi phạm được tịch thu theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.