Xu thế tương tác kiều hối - tăng trưởng - phát triển tài chính ở một số nước đang phát triển
Bài viết phân tích tác động của kiều hối tới tăng trưởng kinh tế cũng như cơ chế tương tác giữa kiều hối và phát triển tài chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa trên lý thuyết gốc hàm sản xuất Cobb-Douglas. Sử dụng bộ dữ liệu mảng và kỹ thuật hồi quy Arellano-Bond GMM cho 30 nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 1996 - 2015, nghiên cứu thu được hai kết luận: (i) Tồn tại mối quan hệ phi tuyến tính “định dạng chữ U” giữa tăng trưởng và kiều hối; (ii) Mối tương tác giữa kiều hối và phát triển tài chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng được điều chỉnh bởi một nguyên lý kép mang tên “cộng hưởng phi tuyến”.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (2016), ở các quốc gia đang phát triển, kiều hối đang trở thành nguồn tài trợ bên ngoài quan trọng thứ hai, vượt trội so với hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và chỉ xếp sau đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đặc biệt, tại các quốc gia thu nhập thấp và có nhập cư ròng, kiều hối quốc tế chính là nguồn tài trợ quan trọng nhất, hỗ trợ đắc lực Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề “mục tiêu thiên niên kỷ” như xoá đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới... (Catrinescu et al., 2009).
Tuy nhiên, đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, kiều hối có thể gây ra tác động bất lợi tới tăng trưởng trong trung và dài hạn. Kiều hối góp phần đẩy nhanh lạm phát, ảnh hưởng tới các khu vực giao dịch do tỷ giá thực gia tăng, đồng thời làm giảm tỷ lệ tham gia thị trường lao động do khi nhận được kiều hối, người lao động có xu hướng lựa chọn cuộc sống an nhàn thay vì phải làm việc. Hơn nữa, những ảnh hưởng thiếu tích cực của kiều hối đối với tăng trưởng và nghèo đói cũng phần nào làm trì trệ quá trình thực thi các chính sách ổn định vĩ mô hay tiến hành những cải tổ mang tính cấu trúc.
Từ những phân tích ở trên, bài viết đề xuất cơ chế tác động phi tuyến hình chữ U của kiều hối đối với tăng trưởng kinh tế. Số liệu sử dụng kiểm định là của 30 quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian 20 năm (1996 - 2015).
Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu
Mẫu nghiên cứu và dữ liệu: Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu mảng với cấu trúc cân xứng cho 30 quốc gia đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 1996 - 2015. Với 30 quốc gia được nghiên cứu trong 20 năm, kết quả nghiên cứu thu được tổng cộng 600 quan sát ứng với từng biến nghiên cứu. Nhận định ban đầu về xu thế tương tác giữa kiều hối - tăng trưởng - phát triển tài chính tại các quốc gia đang phát triển châu Á - Thái Bình Dương (Hình 1). Các biến số trong mô hình tổng hợp từ cơ sở dữ liệu World Development Indicators (WDI) và được mô tả trong Bảng 1.
Mô hình phân tích: Nhằm đánh giá phản ứng của tăng trưởng trước sự thay đổi của kiều hối cũng như một số nhân tố truyền thống khác, mô hình nghiên cứu được xây dựng dựa trên lý thuyết hàm sản xuất Cobb-Douglas có dạng:
lgdpit = β0 + β1 remit + β2 remit2 + β3 creditit + β4 odait + β5 fdiit + β6 tradeit + β7 capit + β8 enrolit + β9 lpopit + β10 cpiit + εit(1)
Với việc bổ sung biến kiều hối bình phương (rem2) vào vế phải của (1), bài viết làm sáng tỏ câu hỏi liệu xu thế tác động của kiều hối tới tăng trưởng có tuân theo dạng hàm phi tuyến hay không?
Bên cạnh đó, để kiểm nghiệm tác động của phát triển tài chính tới cơ chế tương tác kiều hối - tăng trưởng, tác giả xây dựng mô hình (2) với việc bổ sung thêm hai nhân tố tương tác gồm credit*rem và credit*rem2:
lgdpit = β0 + β1 remit + β2 remit2 + β3 creditit + β4 creditit*remit + β5 creditit*remit2 + β6 odait + β7 fdiit + β8 tradeit + β9 capit + β10 enrolit + β11 lpopit + β12 cpiit + εit (2)
Phương pháp nghiên cứu: Phân tích dữ liệu mảng Arellano-Bond GMM được áp dụng để kiểm nghiệm các mối quan hệ trên. Ưu điểm của GMM so với ước lượng OLS thông thường hay ước lượng tác động cố định. Nó có thể giải quyết được vấn đề biến nội sinh và sai số đo lường trong quá trình hồi quy.
Sự phù hợp của biến công cụ trong hồi quy GMM được đánh giá dựa trên kiểm định Hansen với giả thiết (H0): Biến công cụ là ngoại sinh, nghĩa là không tương quan với sai số mô hình, theo đó p-value của thống kê Hansen càng lớn càng tốt. Trong khi đó, kiểm định AR(2) với p-value càng lớn chứng tỏ mô hình không bị khuyết tật tự tương quan ở các cấp độ (Roodman, 2006).
Kết quả thực nghiệm
Kết quả hồi quy phương trình (1) và (2) xác nhận sự tồn tại của quan hệ phi tuyến “dạng chữ U” giữa kiều hối và tăng trưởng kinh tế (hệ số ước lượng kiều hối bình phương đạt giá trị dương ở mức ý nghĩa 5%). Điều này có nghĩa trong giai đoạn đầu, luồng kiều hối (với trữ lượng thấp) chảy vào các nước đang phát triển có thể làm giảm tăng trưởng; song về lâu dài, khi lượng kiều hối gia tăng, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy trở lại.
Quan sát kết quả hồi quy phương trình (2) ta thấy, hệ số gắn với các biến tương tác (phát triển tài chính x kiều hối) và (phát triển tài chính x kiều hối bình phương) đều dương và có ý nghĩa thống kê cao (1%), chứng tỏ tồn tại hiệu ứng “cộng hưởng” giữa phát triển tài chính và kiều hối. Hiệu ứng “cộng hưởng” ở đây hàm ý rằng: Phát triển tài chính và kiều hối tác động cùng chiều tới tăng trưởng kinh tế, và chiều hướng này đồng nhất trong từng giai đoạn.
Mối quan hệ phi tuyến dạng chữ U giữa kiều hối và tăng trưởng có thể diễn giải ở các giác độ sau:
Thứ nhất, đứng trên giác độ khởi sự kinh doanh hộ: Theo lập luận của Mahmud và Osmani (1980) và Siddidui (2004), mối quan hệ phi tuyến dạng chữ U được hình thành là do khi nguồn kiều hối nhận về còn ở mức hạn chế, một bộ phận người dân có xu hướng sử dụng vào hoạt động tiêu dùng mua sắm không sinh lợi để bù đắp cho chuỗi ngày lao động vất vả trước đây. Điều này dẫn tới động lực lao động dần bị triệt tiêu và tác động tiêu cực tới năng suất lao động toàn xã hội... Tuy nhiên, vào giai đoạn (1996 - 2000), các kênh hỗ trợ vốn sản xuất cho người dân còn hết sức hạn chế hệ thống tài chính ở các nước đang phát triển lúc bấy giờ còn hết sức đơn giản.
Trong trường hợp hộ dân huy động đủ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, trong vòng 3 - 5 năm đầu tiên, khả năng hộ kinh doanh có lãi là rất thấp. Đối với những hộ sẵn có cơ ngơi, liệu họ có thể tận dụng lượng kiều hối ít ỏi ban đầu để bổ sung vốn cho hoạt động hiện tại được không?
Nghiên cứu cho thấy rằng, lượng vốn ít ỏi này có thể thúc đẩy có hiệu quả tình hình sản xuất kinh doanh, bởi vì về nguyên lý, khi một doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng, muốn thực sự bứt phá và tạo được lợi nhuận bền vững, lượng vốn cần bổ sung cho giai đoạn mở rộng quy mô sản xuất... sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với quy mô vốn khởi sự ban đầu. Do vậy, để hoạt động kinh doanh sẵn có của hộ thực sự tạo ra cú huých đối với tăng trưởng, lượng vốn cần bổ sung sẽ phải ở mức rất lớn, chứ không phải ở lượng kiều hối hạn chế chảy về nước ban đầu…
Thứ hai, đứng trên giác độ môi trường vĩ mô chuyển đổi: Tại nhiều nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan hay Sri Lanka, tổ chức tài chính vi mô nhờ việc triển khai các sáng kiến sản phẩm của mình đã tạo ra sự dịch chuyển nhu cầu căn bản trong các hộ gia đình, thay vì tích cực tiêu dùng, thì đã chú trọng hơn vào các khoản đầu tư phát triển kinh doanh hộ.
Sự dịch chuyển nhu cầu từ tiêu dùng sang đầu tư cũng có thể được nhìn nhận dưới một góc độ vĩ mô hơn, theo đó kể từ trước năm 2000, phần lớn các nền kinh tế đang phát triển rơi vào trạng thái “méo mó” với cơ chế “đóng” và áp đặt “hạn ngạch” thái quá để bảo hộ nền sản xuất nội địa. Bước sang thời kỳ chuyển đổi 2001 - 2006, nhờ việc tích cực triển khai loạt chương trình điều chỉnh cấu trúc và cải cách hệ thống tài chính theo hướng mở tại các quốc gia Đông Nam Á, Tây Á và Nam Á những bất cập trên dần được tháo gỡ.
Cuộc cách mạng chuyển đổi này đã mang lại những lợi ích và triển vọng rõ ràng cho đầu tư cũng như tạo nên động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân. Do đó, việc thiếu vắng hoạt động của tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức phi chính phủ khiến cho dòng kiều hối của hộ được chi dùng thiếu hiệu quả hoặc phục vụ thái quá nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, bước vào các giai đoạn sau, xu thế trên được đảo chiều với sự nở rộ các hoạt động của tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức phi chính phủ cũng như môi trường vĩ mô được cải thiện, dẫn tới hoạt động đầu tư được thúc đẩy và nguồn kiều hối của người dân có thể đạt mức sinh lời tốt hơn.
Kết luận
Thứ nhất, xác nhận sự tồn tại một mối quan hệ phi tuyến tính “định dạng chữ U” giữa tăng trưởng và kiều hối tại các quốc gia đang phát triển, theo đó luồng kiều hối chảy vào các nước đang phát triển có thể làm giảm đà tăng trưởng trong thời gian đầu, sau đó sẽ lại kích thích tăng trưởng trở lại.
Thứ hai, bằng việc bổ sung các biến tương tác giữa kiều hối và phát triển tài chính vào mô hình tăng trưởng, nghiên cứu tìm ra một hiệu ứng tương tác hết sức mới mẻ, “cộng hưởng phi tuyến”. Theo đó, phát triển tài chính và kiều hối sẽ tác động cùng chiều tới tăng trưởng kinh tế và chiều hướng này phải có tính đơn nhất trong từng giai đoạn.
Tài liệu tham khảo:
1. Catrinescu, N., Ledesma, L. M., Matloob, P. and Quillin, B., 2009, “Remittances, Institutions and Economic Growth”, IZA Discussion Paper No. 2139;
2. De Bruyn, T. and Wets, J., 2006, “Remittances and Development”, Conference Report on Migration and Development, International Organisation for Migration (IOM);
3. Lê Đạt Chí và Phan Thị Thanh Thuý, 2014, “Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển”, Tạp chí Phát triển & Hội nhập, Số 16 (26), tháng 5 - 6/2014.