Tỉnh Đồng Nai:

Xuất khẩu 9 tháng tăng trưởng trong khó khăn

Theo Văn Gia/ Báo Đồng Nai

Hiện đã bước vào quý cuối cùng của năm 2022, đây là quãng thời gian mà các doanh nghiệp (DN) đang bước vào chu kỳ tăng tốc để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của năm. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, nhưng kết quả chung vẫn có sự tăng trưởng khá.

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa). Ảnh: V.Gia
Sản xuất giày dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa ở Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa). Ảnh: V.Gia

Càng về cuối năm, dự báo tình hình khó khăn từ thị trường trọng điểm càng nhiều, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị trường, tham gia các đợt xúc tiến thương mại để tìm thêm đơn hàng mới.

Tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 9 tháng năm 2022 đạt hơn 282,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, đối với Đồng Nai, xuất khẩu tháng 9 trên địa bàn đạt hơn 2,1 tỷ USD; lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu là hơn 19,3 tỷ USD, tăng 20,17% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay trải qua những biến động. Đầu năm, tình hình xuất - nhập khẩu có nhiều thuận lợi, thị trường xuất khẩu trên thế giới phục hồi, hợp đồng xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất hiện khó khăn khi chính sách “zero Covid’’ tiếp tục được áp dụng tại Trung Quốc, cùng với đó là xung đột giữa Nga và Ukraine. Nhiều quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến nên làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến tình hình ký kết hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, một số DN kim ngạch xuất khẩu tháng 7 và 8 giảm so với những tháng đầu năm. Tháng 9, tình hình xuất khẩu có khởi sắc hơn so với tháng trước do là tháng cuối quý nên nhiều DN tập trung xuất khẩu các đơn hàng trong quý đã ký kết.

Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo cơ hội của xuất khẩu năm nay sẽ song hành cùng thách thức bởi lạm phát, suy thoái trên thế giới còn những bất định, nhất là tại châu Âu và Mỹ. Lạm phát toàn cầu đang “phả hơi nóng” vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế khiến nhu cầu hàng hóa giảm, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu gián đoạn và chi phí sản xuất tăng. Biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay cũng đã tạo ra tác động nhiều chiều tới hoạt động thương mại. Điều này đã tạo ra không ít khó khăn lớn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, hiện là giai đoạn khó khăn cho DN làm xuất - nhập khẩu. Sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì sự xung đột giữa một số nước đã và đang gây nhiều hệ lụy. Năng lượng, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm đang là những vấn đề nóng trên thế giới, tạo nên sự khủng hoảng đa tầng cho thị trường.

Sự sụt giảm nhu cầu từ thị trường các nước phát triển, cộng thêm đó là sự phát sinh thêm những khó khăn khác về vận tải biển, cung ứng nguyên vật liệu... sẽ tiếp tục có những tác động. Các khó khăn đó đòi hỏi DN phải có tính toán chặt chẽ trong những tháng cuối năm và phải chuẩn bị cho cả giai đoạn sau bởi có những khó khăn sẽ tác động đến ngay lập tức mà DN không lường trước được.

 Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng bổ sung

Xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của Đồng Nai nói riêng vẫn đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên, phần lớn nguồn thu từ xuất khẩu đến từ một vài thị trường truyền thống, một khi có biến động mạnh như thời gian vừa qua sẽ dẫn đến những khó khăn. Hiện các DN và các cơ quan liên quan đang nỗ lực để tìm thị trường mới, bù đắp các thiếu hụt đơn hàng từ thị trường truyền thống.

Mới đây, Đồng Nai đã tổ chức chuyến giao thương vào thị trường Australia với gần 20 DN của tỉnh tham gia với các nhóm ngành hàng như: thủ công mỹ nghệ, may mặc - giày da, nông sản thực phẩm.  Kết quả bước đầu, bên lề hội nghị Giao thương xúc tiến thương mại giữa các DN Đồng Nai và DN Australia tại Sydney, 2 DN của Đồng Nai gồm: Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) và Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với các DN Australia.

Là một DN tham gia trong đoàn, ông Nguyễn Đức Tuấn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Đèn An Nam, cho hay thời gian vừa qua, các ngành xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ vẫn đang tăng trưởng nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Dù lần tham gia này chưa ký được hợp đồng nhưng cũng đã mang lại kết quả bổ ích cho công ty.

“Điều quan trọng nhất của việc làm xuất khẩu là am hiểu thị trường. Australia là một trong những thị trường phát triển với mức sống cao nên cũng rất phù hợp với các sản phẩm của chúng tôi. Thông qua chuyến đi, công ty đã tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán của người tiêu dùng cũng như một số vấn đề liên quan, chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường sau này” - ông Hải chia sẻ.

Ở phương diện khác, theo đại diện Công ty TNHH Gia công kim loại Ishikawa, một DN ngành hàng công nghiệp hỗ trợ ở Biên Hòa cho hay, doanh số xuất khẩu của công ty đến phần lớn từ thị trường Nhật Bản. Thời gian gần đây, tình hình kinh tế của Nhật vướng phải khó khăn, đặc biệt là đồng yên Nhật mất giá khá nhiều so với USD, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN khi xuất hàng qua đây.

Do vậy, để đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm, ngoài việc đẩy mạnh cung ứng, hợp tác với các đối tác có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở trong nước, công ty đang mong muốn mở thêm được các thị trường xuất khẩu mới. Khu vực các nước Nam Âu, Ấn Độ... cũng là những thị trường tiềm năng để DN trong ngành tìm hiểu, hợp tác khi có cơ hội.