Xuất khẩu của Hà Nội: Tận dụng lợi thế vượt thách thức

Theo kinhtedothi.vn

Năm 2017, ngành công thương Hà Nội đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) 4 - 5% so với thực hiện năm 2016.

Hàng dệt may Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước trong khối ASEAN. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hàng dệt may Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước trong khối ASEAN. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp phải biết tận dụng những lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Nhiều khó khăn

Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, năm 2016, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kim ngạch XK của TP. Hà Nội chỉ đạt 10,635 tỷ USD, tăng 1,5% so với năm 2015 trong khi kế hoạch đề ra tăng 7 - 8%. Lý giải nguyên nhân kim ngạch XK 2016 giảm mạnh, đại diện Sở Công Thương cho biết: Nhiều nhóm mặt hàng XK chủ lực như điện tử, nông sản, dệt may… chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới giảm sức mua, việc Anh rời EU đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế EU, thị trường XK lớn của Việt Nam, dẫn đến kim ngạch XK giảm.

Cụ thể, đối với mặt hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi chỉ đạt 1,291 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ 2015 do sức mua của những thị trường nhập khẩu lớn của nhóm hàng này như EU, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản giảm sút.

Mặt hàng gạo mặc dù chiếm tỷ trọng gần 2,5% trong cơ cấu XK của Hà Nội nhưng các doanh nghiệp chủ yếu thu mua gạo của các tỉnh Nam Bộ, là địa bàn bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và thu hoạch lúa vụ Thu Đông. Ngoài ra, gạo Việt Nam tiếp tục bị Campuchia và Thái Lan cạnh tranh mạnh... nên kim ngạch XK đã giảm 22,4%.

Bên cạnh đó, Nghị định 109/2010/NĐ-CP cũng khiến số lượng doanh nghiệp được quyền kinh doanh XK gạo của Hà Nội giảm từ 26 doanh nghiệp xuống chỉ còn khoảng 10 doanh nghiệp … Đây là những khó khăn chưa thể giải quyết trong ngắn hạn nên kim ngạch XK mặt hàng này trong năm 2017 khó có thể tăng như mong muốn.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, một nguyên nhân quan trọng khiến kim ngạch XK giảm sút nữa là tỷ giá đồng USD/VND bị điều chỉnh theo biên độ hẹp chỉ tăng 1 - 2%, trong khi đồng tiền ở những thị trường XK chủ yếu của Hà Nội đã điều chỉnh mạnh để kích thích XK, hạn chế nhập khẩu.

Cụ thể, đồng Euro phá giá 18%, Yên Nhật 17%, Nhân dân tệ 8%... Ngay cả các nước XK cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh cũng giảm giá đồng tiền từ 10 - 20%. Việc này làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, mặt khác làm giảm sức mua tại các thị trường XK chủ yếu của Hà Nội. “Mặc dù ngân hàng đã giảm lãi suất xuống mức 8% nhưng vẫn là mức cao hơn 2 - 4 lần so với các nước đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Do đó chi phí của doanh nghiệp cao và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh” - ông Lê Hồng Thăng nêu rõ.

Cơ hội để doanh nghiệp tận dụng

Theo các chuyên gia kinh tế hoạt động XK của cả nước và Hà Nội trong năm 2017 vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu như các

doanh nghiệp tận dụng được những yếu tố thuận lợi mà các FTA giữa Việt Nam và một số thị trường như Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan)... đã được ký kết hoặc cơ bản thống nhất về nguyên tắc sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để doanh nghiệp tận dụng được thời cơ mà các FTA mang lại trong quá trình XK hàng hóa đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp không chỉ nhắm đến việc chiếm lĩnh thị trường mà phải chiếm lĩnh được các ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới.

Đồng thời trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp phải chấp nhận chỉ là một khâu trong đó. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp xác định sẽ tham gia từ khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất.

Tuy nhiên, ngoài những cố gắng từ phía doanh nghiệp, Nhà nước cần cải cách thể chế kinh tế, tạo dựng môi trường kinh doanh phù hợp, lành mạnh. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Đơn vị đã hoàn thành xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh XK của TP. Hà Nội thời kỳ hội nhập giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025".

Trong thời gian tới, ngành công thương Hà Nội tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về các thị trường, ngành hàng XK, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định.

Triển khai các khóa đào tạo, phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp về chính sách, pháp luật thương mại của Việt Nam, các nước trên thế giới, qua đó doanh nghiệp có thể tận dụng các ưu đãi trong cam kết quốc tế và có biện pháp tích cực, chủ động phòng tránh các hàng rào trong thương mại.

Yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

 

Vì vậy, doanh nghiệp phải tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, nên thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng người Việt tại nước ngoài và quan tâm hơn nữa tới nguồn nhân lực để nâng cao khả năng xử lý trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

 

PGS.TS. Phạm Tất Thắng  Cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương)