Hiệp định Việt Nam - EAEU: Cơ hội cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực từ ngày 5/10/2016, đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam; mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp cả hai bên trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường có tổng GDP gần 2,2 nghìn tỷ USD, 183 triệu dân và ngược lại doanh nghiệp các nước EAEU sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Bài viết sẽ phân tích và đánh giá về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam từ Hiệp định này.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EAEU (bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được khởi động từ tháng 3/2013. Trải qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức, ngày 29/5/2015 Hiệp định đã chính thức được ký kết.
Hiệp định bao gồm các chương như: Vấn đề pháp lý, thương mại hàng hóa, các biện pháp bảo hộ thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thương mại dịch vụ và đầu tư, thương mại điện tử, quy tắc xuất xứ và cơ quan hải quan, phát triển bền vững. Hiệp định cũng bao gồm việc các bên thông báo trước cho nhau về những thay đổi trong quy định thương mại và đặt nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hải quan cũng như các cơ quan công quyền...
Có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2016, Hiệp định đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam; đồng thời, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp cả hai bên trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, luân chuyển hàng hóa trong thời gian tới. Cụ thể là doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường có tổng GDP gần 2,2 nghìn tỷ USD, 183 triệu dân và ngược lại doanh nghiệp các nước EAEU sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam.
Mở ra cơ hội cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam
Theo đánh giá của giới chuyên gia, EAEU có tiềm năng lớn bởi đây là tổ chức hội nhập lớn nhất tại lục địa Á-Âu. Khác với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, tổ chức này có cấp độ hội nhập rất cao. EAEU đang tiến tới thành lập một liên minh kinh tế toàn diện, tạo ra sự lưu thông tự do giữa các nước thành viên không chỉ về hàng hóa, mà còn về lực lượng lao động, dịch vụ và dòng vốn đầu tư.
EAEU cũng hướng tới việc quy về một chính sách kinh tế thống nhất. Việc Việt Nam ký Hiệp định FTA với EAEU cho phép tăng mạnh kim ngạch hàng hóa, từ đó tăng doanh thu từ ngoại thương và tạo việc làm mới.
Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên từ 8-10 tỷ USD trong tương lai. Trong năm đầu tiên, khi Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.
Đặc biệt hơn, cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định này là rất lớn, bởi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày, túi xách… được cắt giảm thuế tới gần 90%; trong đó, có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Việt Nam cũng bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…
Hiệp định Việt Nam - EAEU bao quát khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ chất lượng hoá thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ; hạng mục “mua sắm Chính phủ” cũng được mở để sau này có thể phát triển bổ sung. Vì vậy, các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam chắc chắn cũng có nhiều lợi thế khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc liên minh nhờ được miễn, giảm thuế quan.
Thống kê của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang khu vực này và đứng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ EAEU. Khi Hiệp định có hiệu lực, việc xoá bỏ thuế quan được kỳ vọng giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hoá.
Đối với EAEU, đó là nông sản, sản phẩm thịt (thịt gia cầm, giò), sản phẩm sữa (pho mát, bơ), lúa mì, bột mì, phân bón, thép ống, thép cán, lốp xe, ô tô (xe tải, xe khách). Ngược lại, đối với Việt Nam, các mặt hàng của Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường EAEU là nông sản, cá, gạo, trái cây, rau quả, sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng….
Tính toán của đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, sau khi Hiệp định FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào EAEU tăng khoảng 50%, bởi nhóm hàng này sẽ đến được với người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Nga nhờ lợi thế lớn về ưu đãi thuế quan so với các nước không tham gia Hiệp định này khi xuất khẩu sang Nga.
Theo thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang EAEU; trong đó khoảng 200 doanh nghiệp là có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…; số doanh nghiệp còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể. Rõ ràng, việc “bắt tay” với EAEU sẽ mở ra cơ hội “vàng” cho các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Đón đầu những thách thức
Đi kèm với những cơ hội là không ít thách thức, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chuẩn bị về mọi mặt, để có thể trụ vững và cạnh tranh được với các mặt hàng nhập khẩu từ chính EAEU. Những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện khi tham gia vào thị trường lớn này, trước tiên là xuất phát từ nội tại nền kinh tế Nga như việc đồng ruble mất giá đã khiến giá hàng nhập khẩu tăng mạnh, trong đó có các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề tạm thời, Nga và Việt Nam có truyền thống hữu nghị và hợp tác lâu bền, điều đó sẽ cho phép hai bên vượt qua mọi khó khăn.
Ngoài giá cả thì hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU cũng đối diện không ít thách thức. Điểm hình như đối với mặt hàng gạo, EAEU chỉ cho Việt Nam mức hạn ngạch xuất khẩu là 10.000 tấn/năm với thuế suất 0% và áp dụng mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) ngoài hạn ngạch thay vì 0%. Như vậy, lợi thế cho gạo là không nhiều, bên cạnh đó nhu cầu của các nước thuộc Liên minh tùy theo sản lượng hàng năm, không theo quy luật ổn định.
EAEU cam kết mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm (trong đó, hơn 71% dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam vào EAEU), 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, thị trường Nga rất tiềm năng cho ngành hồ tiêu nhưng khó khăn trong vấn đề thanh toán, việc thanh khoản chậm sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đối với các sản phẩm gỗ mức thuế suất khẩu đồ gỗ giảm từ 15% xuống 0% đồng thời áp dụng cơ chế “phòng vệ ngưỡng” và một số sản phẩm không cam kết. Liên minh cũng áp dụng cơ chế phòng vệ đặc biệt với các nhóm đồ gỗ Việt Nam đang có thế mạnh như đồ gỗ trong nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách, văn phòng (nếu xuất khẩu sang Liên minh dưới hạn mức trong danh mục sẽ được hưởng thuế suất 0%; nếu trên hạn mức sẽ bị điều tra tác động thị trường nội địa và có thể áp dụng mức thuế MFN hiện hành). Sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn có điều kiện thâm nhập khu vực thị trường nhưng tăng trưởng có thể không cao do bị khống chế bởi cơ chế phòng vệ đặc biệt.
Với các mặt hàng dệt may, đa phần thuế sẽ giảm từ 10% xuống 0% (trong đó 36% dòng thuế xóa bỏ hoàn toàn khi hiệp định có hiệu lực). Đồng thời, phía EAEU cũng áp dựng cơ chế “phòng vệ ngưỡng” và một số sản phẩm không cam kết.
Trong cơ chế phòng vệ đặc biệt, mức khởi đầu để áp dụng mức thuế 0% được tính bằng 1,5 khối lượng xuất khẩu trung bình trong 3 năm gần đây, nếu Việt Nam xuất khẩu quá lượng này thì EAEU sẽ tiến hành điều tra và quyết định xem có áp dụng thuế suất MFN hay không, nếu có thì thời gian áp dụng có thể kéo dài từ 6 tháng, nếu trong thời gian xem xét ra quyết định áp dụng thuế MFN mà lượng hàng của Việt Nam xuất khẩu vượt quá 150% mức “phòng vệ ngưỡng” thì thời gian áp dụng có thể kéo dài thêm 3 tháng nữa.
Do vậy, lợi ích ưu đãi với mặt hàng này theo đó cũng bị hạn chế một phần, mặt khác cơ chế phân bổ và giám sát chỉ tiêu cũng tạo thêm thủ tục hành chính cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Về giày dép, trong Hiệp định FTA Việt Nam-EAEU, mức thuế suất thuế nhập khẩu giày dép sẽ giảm từ 10% xuống 0%, đồng thời phía EAEU cũng áp dựng cơ chế “phòng vệ ngưỡng” và một số sản phẩm không cam kết. Mặt hàng giày thể thao, giày thể dục, là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong lĩnh vực giày dép đã hưởng thuế suất 0% khi Hiệp định có hiệu lực nếu đáp ứng mô tả hàng hóa trên giấy chứng nhận xuất xứ, mở ra cơ hội lớn cho ngành giày dép Việt Nam.
Tuy nhiên, yêu cầu của EAEU đặt ra là không được phép chia nhỏ lô hàng, cho nên việc vận dụng lợi thế về thuế dự kiến là khó khăn, bởi các hãng giày lớn thường đưa hàng đến các điểm trung chuyển lớn ở châu Âu, từ đó mới phân phối sang EAEU.
Đối với ngành Thủy sản, phía Liên minh cam kết mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm (trong đó hơn 71% dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam vào EAEU), 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, mức thuế suất thuế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam giảm từ 10% xuống còn 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến của Việt Nam… Những ưu đãi trên, cho thấy đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường EAEU…
Một số lưu ý khi xuất khẩu vào EAEU
Để tận dụng những cơ hội và ứng phó hiệu quả những thách thức mà Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU mang lại, không có cách nào khác là mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên, định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, nâng cao sức cạnh tranh cũng như trụ vững trên thị trường trong nước.
Cụ thể là cần nhanh chóng nắm bắt đầy đủ về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình và chủ động xây dựng chiến lược phù hợp trong ngắn hạn, dài hạn gắn với các lộ trình giảm thuế. Quan trọng hơn là cần phải nắm rõ các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định FTA Việt Nam – EAEU.
Bộ Công thương lưu ý, Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU cho phép bên nhập khẩu tạm ngừng ưu đãi thuế quan nếu phát hiện có gian lận xuất xứ hoặc nước xuất khẩu không hợp tác xác minh xuất xứ một cách có hệ thống. Bên nhập khẩu áp dụng ngừng ưu đãi theo từng bước đối với lô hàng vi phạm; đối với hàng hoá của các doanh nghiệp có liên quan; đối với toàn bộ hàng hoá giống hệt theo phân loại danh mục hàng hoá (HS cấp độ 8-10 số) nếu các biện pháp trước không đủ để ngăn chặn các hành vi gian lận.
Thời gian áp dụng tạm ngừng ưu đãi là 04 tháng và được phép gia hạn 03 tháng. Do đó, doanh nghiệp cần phân biệt Điều khoản Tạm dừng cho hưởng ưu đãi nêu trên và Điều khoản Từ chối cho hưởng ưu đãi. Điều khoản Từ chối cho hưởng ưu đãi chỉ áp dụng đối với lô hàng có nghi ngờ gian lận xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu. Quy định này không áp dụng đối với hàng hóa liên quan hoặc doanh nghiệp liên quan. Lô hàng sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi sau khi có kết quả xác minh đạt xuất xứ theo Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU.
Quy định về hợp tác hành chính, Hiệp định yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hai bên thông báo mẫu con dấu của tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định (C/O EAV). Đây là một bước tiến so với nhiều FTA mà Việt Nam đã ký trước đây. Quy định mới này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa, sự khác biệt về mẫu chữ ký không còn là nguyên nhân khiến C/O bị ngi ngờ tính xác thực.
Riêng Quy định về mức linh hoạt, Hiệp định cho phép áp dụng nguyên tắc linh hoạt 15% tính theo giá FOB đối với đơn vị sản phẩm hoặc bộ sản phẩm. Ví dụ, một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm đơn lẻ vẫn được coi là có xuất xứ khi 15% trị giá tổng sản phẩm không đạt xuất xứ. Mức linh hoạt này là 15% tính theo giá xuất xưởng trong khuôn khổ GSP và 10% theo giá FOB tại các FTA Việt Nam đã tham gia.
Các dòng hàng áp dụng tiêu chí giá trị gia tăng VAC (Value Added Content) chủ yếu ở mức 40% trị giá FOB, tương đương hàm lượng giá trị khu vực RVC (Regional Value Content) 40% trong các FTA Việt Nam ký cùng ASEAN. Riêng một số mặt hàng cần bảo hộ như máy móc, ô tô, VAC áp dụng là 50-60% FOB. Các dòng hàng áp dụng tiêu chí công đoạn sản xuất cụ thể gồm máy móc, phương tiện, sắt thép, dệt may…
Tài liệu tham khảo:
1. 10 hiệp định FTA quan trọng mà Việt Nam đã ký kết;
2. Tìm hiểu về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA Việt Nam tham gia;
3. Một số website: trungtamwto.vn, mof.gov.vn, moit.gov.vn…