Xuất khẩu dệt may: Mục tiêu 40 tỷ USD liệu có chạm tới?
Đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao, các rào cản thương mại... là những khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao với giá thành giảm, áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại. Vì vậy, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 40 tỷ USD của ngành khó có khả năng đạt được khi thị trường vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.
Đối mặt nhiều khó khăn
Theo Bộ Công Thương, những tháng cuối năm 2019, doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn như: đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao với mức giá thành giảm, áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại...
Nguyên nhân được các chuyên gia ngành dệt may cho rằng, do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng dệt may. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), các mặt hàng may mặc hiện trong tình trạng sụt giảm đơn hàng. Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm. Nhưng đến năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng…
Cụ thể, ở một số doanh nghiệp, số đơn hàng đã ký vào thời điểm giữa năm mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị chia nhỏ thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, đến tháng 9/2019, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Các đơn vị lớn như Tổng công ty May 10, Công ty cổ phần May Đức Giang, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) có đơn hàng đến tháng 11, chỉ có Công ty cổ phần May Việt Tiến là có đơn hàng đến hết năm.
Không dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp cho biết không nhận được đơn hàng dài hạn, thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý. Hầu hết khách hàng khá thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn do nghe ngóng tình hình thế giới, đặc biệt ép giá thấp hơn so với năm 2018, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.
Ông Cao Hữu Hiếu lo lắng, với tình hình đơn hàng như hiện nay, để đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm nay là khó khăn. Theo ông Hiếu, xung đột thương mại Mỹ - Trung phức tạp và kéo dài ảnh hưởng tới dệt may Việt Nam; trong đó, ngành sợi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tháng 3 và tháng 4, thị trường sợi có chút khởi sắc khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung phát triển theo chiều hướng thuận lợi. Tuy nhiên, trong các tháng 5, 6 và 8, hai nước tiếp tục áp và tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của đối phương khiến thị trường sợi ảm đạm.
Giá giảm, nhu cầu yếu khiến các doanh nghiệp sợi chật vật, mức lỗ ngày càng tăng, thậm chí đã có những doanh nghiệp phải đóng cửa.
Đáng chú ý, khó khăn của ngành dệt may là khó khăn chung của nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may trong năm. Thậm chí, tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam còn được đánh giá là khả quan hơn so với các quốc gia khác.
Tính đến hết quý III/2019, dù tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt 9,1%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018, nhưng lại là mức tăng trưởng cao nhất so với các cường quốc dệt may khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh.
Mục tiêu vẫn là 40 tỷ USD
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, mục tiêu của toàn ngành năm nay là 40 tỷ USD sẽ đạt và có thể vượt con số này. Để đạt được giá trị xuất khẩu theo kế hoạch, ngành dệt may sẽ phải nỗ lực rất nhiều, với mức tăng trưởng phải đạt ít nhất từ 11 - 12%.
Điều này thật sự không dễ dàng trong bối cảnh hiện tại, song rất kỳ vọng các doanh nghiệp dệt may thực hiện giao hàng với các đơn hàng lớn sẽ đẩy giá trị xuất khẩu tăng cao.
Hơn nữa, điều quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào chính doanh nghiệp ngành dệt may, họ phải tự chủ động tìm kiếm thị trường và các đơn hàng, đối tác thay thế. Hiện nay, các doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xúc tiến mở rộng thị phần tại một số thị trường trong khối EU.
Theo đó, đáng lưu ý nhất là hai thị trường tiềm năng Canada và Australia. Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may đạt hơn 13 tỷ USD/năm, trong khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường này mới chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm.
Đáng nói là hiện Việt Nam chưa ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Canada nên CPTPP là cánh cửa giúp dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ, chủ động tìm kiếm đối tác nhập khẩu từ Canada.
Về vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xuất khẩu thành công là doanh nghiệp phải nắm bắt được thông tin và nhu cầu của đối tác nhập khẩu như các yêu cầu về giá cả, chất lượng sản phẩm, số lượng đơn hàng, thời gian sản xuất…Hơn nữa, làm sao đảm bảo sản xuất liên tục, ổn định.
Song song với đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần hợp tác với nhau thông qua các chương trình liên kết, hỗ trợ của hiệp hội nhằm đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ theo cam kết tại các FTA.
Đồng thời, doanh nghiệp chia sẻ đơn hàng cùng nhau, nhất là các doanh nghiệp nhỏ có thể hình thành chuỗi sản xuất để đáp ứng được các đơn hàng lớn và đảm bảo số lượng, chất lượng, thời gian cũng như tạo uy tín lâu dài với đối tác nhập khẩu.
Những năm qua, ngành dệt may có những bước phát triển nhất định, xuất khẩu gia tăng theo từng năm, nhưng trong nội tại vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: năng suất lao động thấp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chủ yếu sản xuất gia công.
Song song với những khó khăn nội tại, thách thức từ thị trường xuất khẩu cũng đặt ra không ít áp lực như: chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; yêu cầu, đòi hỏi của khách hàng ngày càng cao cả về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, môi trường và các kiểm định kỹ thuật…
Trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất.
Cùng với đó, chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA. Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.