Xuất khẩu gạo năm 2022 được dự báo sản lượng tăng nhưng lợi nhuận giảm
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong ngày 25/11 có sự điều chỉnh giảm nhẹ ở phân khúc gạo 25% tấm, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì sự điều chỉnh này là không đáng lo ngại, trên bình diện chung giá gạo của Việt Nam vẫn đang dẫn đầu thế giới.
Không lo đầu ra
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), ngày 25/11 trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có phiên điều chỉnh giảm 4 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, xuống còn 400-404 USD/tấn.
Trong khi đó giá các loại gạo khác tiếp tục ổn định gồm, gạo 5% tấm là 425 - 429 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức 338 - 342 USD/tấn và Jasmine ở mức 583 - 587 USD/tấn.
Không riêng gạo Việt Nam mà giá chào bán gạo Thái Lan và Pakistan cũng có phiên điều chỉnh giảm.
Theo đó, giá gạo cả 3 phân khúc 5%, 25% và 100% tấm của Thái Lan đồng loạt giảm. Cụ thể gạo 5% tấm là 385 - 389 USD/tấn, gạo 25% tấm là 376 - 380 USD/tấn gạo 100% tấm là 358 - 362 USD/tấn, giảm 7USD/tấn so với hồi đầu tuần.
Tương tự, gạo Pakistan cũng giảm từ 8 - 10 USD/tấn so với phiên giao dịch trước. Cụ thể, gạo 5% tấm là 353 - 357 USD/tấn và gạo 25% tấm là 330 - 334 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2021 đã đạt trên 528 USD/tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó VFA cho biết, trong tháng 10 giá gạo xuất khẩu 5% và 25% tấm của Việt Nam đã tăng thêm 5 USD tấn, giá gạo Việt Nam trong tháng 10 đã vượt xa gạo Thái Lan tới 60 USD/tấn (gạo 5% tấm), 43 USD/tấn (gạo 25% tấm); vượt xa giá gạo Ấn Độ tới 80 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 85 USD/tấn đối với gạo 25% tấm; vượt xa giá gạo Pakistan 75 USD/tấn (đối với cả gạo 5% tấm và 25% tấm); cao hơn giá gạo của Myanmar 80 USD/tấn (5% tấm)…
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết ngày 15/11 vừa qua công ty ông vừa trúng thầu cung cấp 15.000 tấn gạo 100% tấm vào thị trường Hàn Quốc với giá 369 USD/tấn (FOB), đây là mức giá khá cao so với các thị trường khác. Tính chung từ đầu năm đến nay Công ty Trung An đã trúng thầu xuất khẩu 48.763 tấn gạo các loại sang thị trường Hàn Quốc, chiếm đến 83% so với tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu dành cho gạo Việt Nam.
“Dù năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng đến nay Công ty Trung An đã xuất khẩu gạo đạt sản lượng 177.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 30 triệu USD, tăng 67% so với năm 2020, dự kiến, cả năm 2021 Công ty sẽ xuất khẩu gạo đạt sản lượng 190.000 tấn. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam cả năm 2021 và trong năm 2022 mỗi năm không dưới 6 triệu tấn bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt nhà nhập khẩu; Thêm nữa, gạo Việt Nam đã có một lượng khách hàng truyền thống”, ông Bình nhận định.
Chỉ ngại đầu vào
Mặc dù xuất khẩu gạo năm 2022 được dự báo thuận lợi với giá cả rất tốt, tuy nhiên do chi phí đầu vào tăng cao nên lợi nhuận của người trồng lúa tiếp tục giảm.
Đại diện Công ty phân bón Bình Điền cho rằng giá phân bón trong nước tăng mạnh là do giá phân trên thế giới tăng. Đơn cử là mới đây Ấn Độ- quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thể giới đã chào mua 1 triệu tấn phân U-rê trong 3 năm với giá 1.000 USD/tấn.
Các nước sản xuất nông nghiệp khu vực Trung Đông, Nam Mỹ cũng chào mua phân U-rê với giá 950 USD/tấn. Do vậy giá phân U-rê nhập khẩu đang bán trong nước với giá 930.000đồng/bao (50kg), cao hơn 30% cách nay 3 tháng cũng là do nhập khẩu cao, phải bán ra cao.
Còn theo đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam, nguyên nhân giá phân bón sản xuất trong nước tăng cao chủ yếu là do các nguyên vật liệu đầu vào như than, khí tự nhiên, lưu huỳnh, ammoniac…tăng giá. Mặt khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải ngưng hoặc giảm công suất; chi phí sản xuất tăng cao đã tác động mạnh lên giá cả phân bón trên thị trường.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang - địa phương có sản lượng lúa dẫn đầu khu vực đồng băng sông Cửu Long: không chỉ có giá phân bón tăng mà giá lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công sản xuất lúa cũng tăng “chóng mặt”.
“Với diễn biến giá cả đầu vào như vậy nếu giá đầu ra không được cải thiện và người trồng lúa không áp dụng quy trình sản xuất tiết giảm tối đa chi phí thì nguy cơ thua lỗ trong vụ lúa tiếp sau là khó tránh khỏi”, ông Toàn lo lắng nói.