Xuất khẩu nông thủy sản “chạy nước rút”
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, dự báo XK sản phẩm thủy sản từ nay đến cuối năm sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, lĩnh vực thủy sản cần chủ động nguồn nguyên liệu, các sản phẩm để đáp ứng cho thị trường sau khi các hoạt động giao thương được kết nối trở lại.
Có dấu hiệu chững lại
Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, giảm 19,4%.
Theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu NLTS có dấu hiệu chững lại như vậy, nguyên nhân chủ yếu do giá XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm, kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc giảm. Bên cạnh đó, việc đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giai đoạn hậu dịch Covid-19 còn chậm do các điều kiện ngoại cảnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp quyết tâm không hạ mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và XK từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau... cho nhu cầu trong nước và hướng tới XK với tổng giá trị khoảng 41 tỷ USD.
Để làm được việc này, trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp quyết tâm sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, để kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, xử lý các vấn đề phát sinh khi XK nông sản. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn. Phát triển thị trường XK, phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Để trở thành “đơn vị hậu cần” của thế giới
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, dự báo XK sản phẩm thủy sản từ nay đến cuối năm sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, lĩnh vực thủy sản cần chủ động nguồn nguyên liệu, các sản phẩm để đáp ứng cho thị trường sau khi các hoạt động giao thương được kết nối trở lại.
“Lúc đó, chúng ta sẽ đẩy mạnh XK những sản phẩm thủy sản đã được chuẩn bị sẵn sàng vào các thị trường để tiêu thụ. Nếu làm tốt, kim ngạch XK thủy sản có thể đạt mục tiêu hơn 9 tỷ USD trong năm nay”, ông Trần Đình Luân kỳ vọng.
Đặc biệt, việc hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8 được xem là cơ hội rất lớn để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu trên.
Ông Trần Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất và phân phối ca cao Đồng Nai nhận định, EVFTA là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam XK vào thị trường lớn ở châu Âu. Điều quan trọng là mỗi DN cần phải biết nắm bắt cơ hội này. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ DN trong vấn đề truy xuất nguồn gốc, chuyên môn hóa quy trình sản xuất.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp trên thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nafoods nhận định, để Việt Nam có thể trở thành nơi “cung cấp hậu cần” cho thế giới, “chúng ta phải xây dựng được hệ thống chuỗi giá trị liên kết giữa các mắt xích với nhau. Làm sao phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp một cách thô sơ của người nông dân. Làm nông nghiệp theo tư duy công nghiệp”.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường XK và đàm phán thương mại, ngành nông nghiệp cần phải kiên trì thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Thị trường trong nước với quy mô gần 100 triệu dân là rất lớn, rất tiềm năng để các DN khai phá. Đặc biệt, để kích cầu sức mua trong nước hậu Covid-19, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đây là cơ hội để DN Việt đưa những sản phẩm chất lượng cao chinh phục người Việt.