Xuất khẩu sang EU và những lưu ý cho doanh nghiệp Việt "hậu dịch" Covid-19
Theo Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để đến khi điều kiện thuận lợi thì có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ châu Âu.
3 tháng đầu năm thường là chu kỳ giảm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU do có nhiều ngày nghỉ của cả hai bên. Thêm vào đó, năm nay, nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực mới xuất/nhập hàng để được hưởng ưu đãi thuế, cùng với những thông tin tiêu cực về suy giảm kinh tế do dịch bệnh Covid-19 khiến triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được dự báo rơi vào mức rất thấp trong quý I và quý II năm nay.
Trong tháng 1, cả hai bên đều có kỳ nghỉ Tết dài ngày nên nhiều đơn hàng bị đình trệ. Sau đó tới tháng 2, Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA nên phía doanh nghiệp EU đặt hàng rất ít. Tới đầu tháng 3, khi dịch bệnh bùng phát thì hầu hết các doanh nghiệp châu Âu phải tạm ngừng nhập hàng.
Thực tế, các công ty chủ động giảm nhập khẩu chứ EU không có quy định nào cấm. Nguyên do là nhiều nước châu Âu bị phong tỏa, các cửa hàng phải đóng cửa theo lệnh của nhà chức trách một số nước, hoặc có rất ít khách tới mua hàng. Kênh mua bán trên mạng của ngành thời trang cũng không khả quan vì trong bối cảnh dịch bệnh đa số người dân cũng không có tâm trạng hoặc không có khả năng mua những mặt hàng này.
Một số doanh nghiệp châu Âu có xu hướng đợi thực thi Hiệp định EVFTA. Theo dự kiến, Hiệp định sẽ được thực thi vào tháng 7 (nếu Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp dự kiến tổ chức vào tháng 5 tới). Nếu nhập khẩu lúc này thì vẫn phải chịu thuế trong khi nguy cơ hàng hóa bị ứ đọng là rất cao. Trước khả năng hàng hóa không tiêu thụ được, nếu tiếp tục nhập về còn phát sinh thêm nhiều chi phí để lưu kho, bảo quản; nếu đợi tới sau tháng 7 thì hàng nhập từ Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0%, cạnh tranh hơn nhiều.
Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực thì tình hình sẽ có những thay đổi khả quan hơn. Đây là khả năng mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên lưu ý.
Theo Trưởng Thương vụ Việt Nam tại EU, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để đến khi điều kiện thuận lợi (như dịch hết, EVFTA bắt đầu thực thi…), lúc đó Việt Nam có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ châu Âu.
Thời gian tới, nếu dịch bệnh được kiểm soát và EVFTA đi vào hiệu lực thì sẽ giảm bớt yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào châu Âu. Tới khi đó, nếu châu Âu hết phong tỏa thì hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp thuận lợi.
Đại diện một doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các nước châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Italy, Pháp và Đức, có văn phòng đóng tại Bỉ (tên là Gocity) cho biết, các đơn hàng cũng như việc phát triển mẫu và hoạt động xúc tiến chào hàng của công ty đều bị dừng lại. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm dừng vì dịch Covid-19.
Theo đánh giá của đại diện công ty, khách hàng châu Âu rất quan tâm đến các sản phẩm dệt may của Việt Nam, đặc biệt là sau khi EVFTA được ký kết và phê chuẩn. Doanh nghiệp nhận định, chắc chắn các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ được nối lại sớm khi dịch bệnh được kiềm chế và khách hàng châu Âu sẽ quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam nhiều hơn nữa.
Để không bỏ lỡ cơ hội, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có nhiều biện pháp giữ chân khách hàng hiện tại, tích cực hợp tác với đối tác châu Âu trong việc hủy hoặc điều chỉnh đơn hàng cho phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay. Nếu làm tốt được điều này, đối tác châu Âu chắc chắn sẽ đánh giá cao sự thiện chí chia sẻ của phía Việt Nam trong lúc thị trường biến động khó khăn và họ là những khách hàng trung thành.
Một thông tin rất đáng quan tâm là có thể sau cuộc khủng khoảng này thị trường sẽ có nhiều thay đổi, cả về quy mô các đơn hàng cũng như cách thức vận hành. Dự kiến là cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp EU sẽ có những điều chỉnh rất đáng kể, các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam cần lưu ý cập nhật và điều chỉnh kịp thời.