Xuất khẩu thủy sản sang Anh vẫn ổn định
Người tiêu dùng Vương quốc Anh hiện đang chi tiêu nhiều hơn so với mức trung bình 6,3 tỷ Bảng mỗi năm cho thủy sản. Dù Anh có rời khối EU thì theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, các nhà xuất khẩu thủy sản cũng ít bị ảnh hưởng.
Người Anh dùng nhiều thủy sản tại nhà hàng
Theo số liệu của U.K. Seafish Authority, năm 2015, doanh số bán lẻ thủy sản cho tiêu dùng tại gia đình đạt 3,1 tỷ Bảng Anh, giảm 0,6% so với 2014. Về khối lượng, doanh số bán hàng tương đương với 331.151 tấn, giảm 0,9% so với 2014. Tuy nhiên, giá trung bình của hải sản được bán thông qua kênh bán lẻ lại tăng 0,3%, ở mức khoảng 9,4 Bảng/kg.
Trong khi đó, hai năm qua, lượng tiêu thụ hải sản tại các nhà hàng của người tiêu dùng Anh đã tăng lên đáng kể. Người Anh đã tăng lượng cá trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Thống kê năm 2016 cho thấy, chi tiêu hàng ngày cho hải sản tăng lên 1% và số lượng bữa ăn hải sản được phục vụ tại các nhà hàng tăng lên 3,8% so với năm 2015. Người Anh đã chi hơn 3,2 tỷ Bảng Anh cho các món hải sản tại các nhà hàng.
Tăng trưởng về doanh thu thủy sản trong ngành dịch vụ ăn uống chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực các nhà hàng phục vụ nhanh, không bao gồm các nhà hàng phục vụ món cá tẩm bột chiên ăn kèm với khoai tây chiên. Cũng theo thống kê, doanh số bán hàng thủy hải sản tăng 10,8% so với năm 2015 và hiện nay (tháng 11/2016), chiếm 29% trong tổng số doanh thu từ dịch vụ ăn uống. Nhân sự tại khu vực công sở và các trường Đại học là một trong các nguyên nhân chính khiến doanh thu của các nhà hàng ăn uống thủy sản tăng trưởng.
Trong số các sản phẩm thủy sản được bán tại các điểm dịch vụ ăn uống, lượng cá chiên chiếm ưu thế hơn, tăng 6,6% số lượng suất ăn so với năm ngoái, đưa thị phần của món này lên đến gần 37%. Đây là một sự tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, số lượng suất ăn cá không chiên lại giảm 12,5%.
Ngành bán lẻ Anh cũng ghi nhận, năm 2015, doanh thu từ sản phẩm hải sản đông lạnh tăng 1,1% so với năm trước, giá trị đạt 2 tỷ Bảng, trong đó, thị phần lớn nhất là cá hồi (17,1%), cá ngừ (15,6%) và cá tuyết (13,6%). Sản phẩm có tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng cao nhất là tôm nước ấm (tăng 6,9%), cá hồi (tăng 5,1%) và cá tuyết (tăng 3,6%).
Anh vẫn là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam
Chín tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt trên 149 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2015. Từ tháng 8/2015, Anh đã vượt Đức trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu (EU).
Cũng theo thống kê 9 tháng đầu năm, riêng xuất khẩu tôm sang EU đạt mức 372 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất cũng có giá trị xuất khẩu tăng lần lượt: Anh (tăng 8,4%), Hà Lan (tăng 29%) và Đức (tăng 2,1%) so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng là do thị trường này muốn nhập tôm nước ấm khi nguồn cung tôm nước lạnh giảm và giá cao. Nửa đầu năm nay, doanh số tôm nước ấm tăng và lần đầu tiên vượt qua doanh số tôm nước lạnh trong 3 năm trở lại đây.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), Anh là thị trường lớn trong khối EU nhưng đối với mặt hàng thủy sản, Anh lại là thị trường tiêu thụ của Việt Nam mà không phải thị trường trung chuyển. Hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đều được bán tới tận tay người tiêu dùng nước này. Vì thế, trong ngắn hạn, mặc dù Anh rời EU, việc mua bán thủy sản giữa nhà nhập khẩu Anh với nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Tuy vậy, cũng có chút lo ngại là khi Anh rời khỏi EU, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang nước này sẽ không còn được hưởng những điều kiện ưu đãi về thuế như trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU khi Hiệp định này chính thức được các thành viên EU thông qua. Sự kiện này có thể khiến đồng USD tăng giá, Euro giảm giá, gây ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam xuất sang Anh.