Xuất khẩu tôm làm gì để đạt mục tiêu 4,5 tỷ USD?


Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu phấn đấu nuôi trồng đạt sản lượng 1,1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Ngành tôm sẽ là gì đề đạt được mục tiêu đầy tham vọng này trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, xuất khẩu 2 tháng đầu năm chỉ đạt 350 triệu USD?

 Ngành chế biến xuất khẩu tôm đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 4,5 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh Fimex
Ngành chế biến xuất khẩu tôm đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 4,5 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh Fimex

Khó khăn "bủa vây"

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng đang có những thuận lợi là được Chính phủ quan tâm, diện tích nuôi nhiều; lợi thế từ các hiệp định FTA. Đặc biệt là lợi thế tôm sinh thái, năng lực chế biến sản phẩm giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt Nam cũng được các doanh nghiệp nhập khẩu đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì ngành tôm Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Qua số liệu thống kê cho thấy, giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 cho đến nay và dự báo sẽ còn giảm tiếp khi sản lượng tôm toàn cầu năm 2023 có thể đạt mức kỷ lục từ 6 – 7 triệu tấn.

Do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái kinh tế cùng với xung đột Nga-Ukraine làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm, tồn kho tại các doanh nghiệp nhập khẩu còn rất lớn.

Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đến thời điểm này có rất ít doanh nghiệp có được đơn hàng mới.

Điều khá ngịch lý là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm nhưng giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng, "dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến rất khó khăn", Tổng thư ký VASEP cho hay.

Về dự báo tình hình xuất khẩu tôm trong năm 2023, ông Hòe cho rằng, hiện nay thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ đang trong giai đoạn tồn kho lớn. Dự báo khoảng Quý II, các nhà nhập khẩu ở thị trường này mới đưa ra kế hoạch nhập khẩu, khi đó mới xác định được sản lượng xuất khẩu sang thị trường này.

Đối với thị trường châu Âu, mặc dù Việt Nam có lợi thế từ các hiệp định thương mại như EVFTA, UKVFTA, nhưng nền kinh tế các quốc gia châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu sang thị trường này cũng chưa thật sự khởi sắc trong năm 2023.

Mặc dù vậy, nhưng xuất tôm Việt Nam sang một số thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm.

Đáng chú ý là lần đầu tiên xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng đến hơn 60% so với cùng kỳ, "đây cũng là thị trường mà ngành xuất khẩu thủy sản đang kỳ vọng sẽ bù đắp cho khoảng thiếu hụt khi thị trường Hoa Kỳ đang sụt giảm mạnh", Tổng thư ký VASEP nhận định.

Về phía người nuôi tôm, theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm là phải sử dụng nguồn tài nguyên đất đai, vốn liếng rất lớn mới có thể phát triển ngành hàng này. Nhưng người nuôi tôm không kiểm soát được giá vật tư đầu vào, thiếu thông tin và không quyết định được giá cả đầu ra nên rủi ro rất cao.

"Bên cạnh đó, yêu cầu đăng ký để được cấp mã số vùng nuôi nhằm truy suất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc hiện nay nhưng người nuôi tôm đang rất khó thực hiện do nhiều hộ chưa chuyển đổi mục đích đất thành đất nuôi thủy sản nên chưa đủ điều kiện để được cấp mã số vùng nuôi", ông Huy nêu khó khăn.

Giá thành quyết định "sự sống còn"

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú-doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, để có được kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD trong năm 2022, ngành tôm Việt Nam đã phải phấn đấu hết khả năng và tận dụng tất cả những lợi thế đang có.

"Lợi thế của ngành tôm được xác định là nguyên liệu đa dạng, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường. Tuy nhiên, các lợi thế này cũng đang dần bị cạnh tranh gay gắt. Ấn Độ, Ecuador, hai cường quốc xuất khẩu tôm cũng không ngồi yên để cho Việt Nam 'một mình, một chợ' ở phân khúc này", ông Quang cho hay.

Bình luận thêm về năng lực cạnh tranh của ngành tôm, ông Quang cho rằng, tôm Việt Nam có điểm yếu lớn nhất mà nhiều năm nay chưa khắc phục được, đó là giá thành nguyên liệu luôn cao hơn Ấn Độ, Ecuador từ 30-50%, trong khi giá bán tôm của Việt Nam so với tôm của Ấn Độ, Ecuador chưa khi nào cao hơn 30%.

Ông Quang dẫn chứng, tại thời điểm hiện nay, tôm nguyên liệu loại 40-50 con của Ấn Độ, Ecuador khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi giá tôm nguyên liệu cùng loại của Việt Nam đang ở mức khoảng 150.000 đồng.

Theo ông Quang, việc giảm giá thành nguyên liệu là yêu cầu bắt buộc, quyết định sự sống còn của ngành tôm tại thời điểm hiện tại và cho cả tương lai.

Để có thể giảm giá thành tôm nguyên liệu, theo ông Quang điều đầu tiên phải làm là phải nâng cao chất lượng con giống, giảm tỷ lệ con giống bị hao hụt trong ao nuôi.

Vì hiện nay tỷ lệ con giống hao hụt trong ao nuôi của Ecuador chỉ 10%, tỷ lệ này ở Ấn Độ cao nhất chỉ 40%, trong khi tỷ lệ hao hụt tại các ao nuôi tại Việt Nam lên đến 60%.

Nguyên nhân là do Ecuador đã nghiên cứu sản xuất được con giống tôm kháng bệnh, trong khi ta và Ấn Độ vẫn thả nuôi con bằng con giống thông thường nên tỷ lệ hao hụt rất cao.

Ngoài việc nâng cao chất lượng con giống, ngành tôm cũng cần được quy hoạch vùng nuôi tập trung, đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi hoàn chỉnh; kiểm soát giá thức ăn, vật tư đầu vào, giảm chi phí vùng nuôi; giảm chi phí vận chuyển logistics…

"Mục tiêu cần hướng đến là trong 5 năm tới giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam sẽ ngang bằng với Ấn Độ; 10 năm tới giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam tương đương với Ecuador", ông Quang đề xuất.

Cùng quan điểm đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, đầu năm 2023, tồn kho ở các nhà phân phối và các nhà máy chế biến không nhỏ.

Cuối quý 1 này, tôm ở khu vực nuôi trồng Nam bán cầu bắt đầu vào vụ, áp lực gia tăng nguồn cung có thể kéo giá tôm thế giới xuống thấp hơn nữa.

Điều bất thường ở vụ tôm năm nay là doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giá bán giảm nhưng tại thời điểm này giá tôm nguyên liệu lại tăng cao kỷ lục. 

Hiện nay giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu, Sóc Trăng đã đạt mức 170.000 đồng/kg loại 40 con/kg. Trong khi đó giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ cùng loại chỉ khoảng 107.000 đồng/kg.

"Ngành tôm đang đối mặt với 2 khó khăn: Nếu giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức cao như hiện nay thì sẽ có nhiều nhà máy đóng cửa vì không thể mua cao, bán thấp. Còn ngược lại nếu giá tôm nguyên liệu giảm 1/3 cho ngang bằng giá tôm thế giới thì người nuôi tôm sẽ treo ao vì thua lỗ", ông Lực chia sẻ.   

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, mặc dù ngành tôm đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng 'trong cái khó bó cái khôn'.

Khi thị trường xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp, người nuôi tôm đã kịp thời chuyển hướng bằng việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, xem đây là giải pháp giảm bớt rủi ro cho ngành tôm khi thị trường xuất khẩu không thuận lợi.

Năm 2022, sản lượng tôm sú sản xuất khoảng 250.000 tấn nhưng chỉ có khoảng một nửa đưa vào nhà máy chế biến, số còn lại được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

"Số liệu trên cho thấy thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng vẫn là địa bàn "phòng thủ" vững chắc cho các ngành hàng, trong đó có ngành hàng sản xuất, xuất khẩu tôm", ông Hòe dẫn chứng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để kết quả nuôi tôm và kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt kế hoạch đề ra, các địa phương cần tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn; kiểm soát chặt chẽ vùng nuôi, giá cả vật tư đầu vào để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Đối với các doanh nghiệp, người nuôi tôm phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó chủ động với các khó khăn có thể xảy ra như hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên vật nuôi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến cũng cần tập trung cho phân khúc chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản đối mặt với nhiều biến động và khó khăn như hệ lụy của đại dịch COVID-19, xung đột Nga–Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…, nhưng ngành thủy sản vẫn đạt được thành tích khá ấn tượng, riêng ngành tôm tăng trưởng trên 11%.

"Đó là niềm tin cho thấy, ngành thủy sản có sức đề kháng khá tốt và có nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu từ bằng đến hơn năm 2022", Thứ trưởng Tiến kỳ vọng.

Theo Bộ NN&PTNT, vụ tôm năm 2023, cả nước có kế hoạch thả nuôi khoảng 750.000ha, trong đó, có 610.000 ha tôm sú, 120.000 ha tôm thẻ chân trắng và còn lại là các loại tôm khác.

Sản lượng thu hoạch tôm các loại năm 2023 dự kiến đạt 1,1 triệu tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2023 dự kiến đạt từ 4,3 – 4,5 tỷ USD.