Xuất khẩu vào Hoa Kỳ: Làm gì để nhiều cả lượng và chất?
Hàng Việt xuất khẩu (XK) đang đứng thứ hai khi đóng thuế vào Hoa Kỳ, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh, bên cạnh một loạt rào cản khắt khe về thương mại, kỹ thuật khác. Trong bối cảnh chính sách XNK ở Hoa Kỳ đã thay đổi, để XK được nhiều, vừa mang lại giá trị nhiều, yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp (DN) Việt cần có những giải pháp kinh doanh phù hợp hơn.
Việc đánh thuế, hải quan đối với hàng Việt XK vào thị trường chủ lực Hoa Kỳ đang là vấn đề quan tâm lớn của các nhà làm chính sách. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 diễn ra tại Hội An, tỉnh Quảng Nam vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng của Việt Nam có đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ xem xét đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Hoa Kỳ.
Trước đó, tháng 2/2107, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 29 về việc phê duyệt Hiệp định và Nghị định thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về tránh đánh thuế hai lần.
Thuế và hàng loạt rào cản
Ngoài ra, ông Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục tích cực phối hợp và tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm đi đến ký kết và thực hiện Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan hải quan.
Hoạt động này dường như trùng hợp với phát biểu của ông Nate Herman, Phó Giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng, Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA), tại Hội thảo quốc tế về “An toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ”, được tổ chức ngày 19/10 ở TP. Hồ Chí Minh, khi cho biết hàng Việt đang bị mất lợi thế cạnh tranh vì thuế đóng quá cao, đứng hàng đầu trong số các quốc gia XK vào thị trường này.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2017, hàng XK Việt Nam vào Hoa Kỳ đã đóng hơn thuế 2,2 tỷ USD (đứng thứ hai, chỉ sau Trung Quốc) dù trị giá nhập khẩu (NK) hàng hóa từ Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chưa tới 2% tổng kim ngạch NK hàng hóa của Hoa Kỳ.
Trong khi đó, các nước trong khối ASEAN khi XK vào Hoa Kỳ như Indonesia chỉ đóng khoảng hơn 823 triệu USD, Thái Lan 298 triệu USD, Campuchia 278 triệu USD…Thậm chí, có những dòng hàng Việt Nam bị đánh thuế trên 30% và dệt may – dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng Việt XK vào Hoa Kỳ đang bị đánh thuế trung bình 17%.
Có thể thấy, thuế cùng với hàng loạt rào cản về thương mại, kỹ thuật khác từ Hoa Kỳ đang là chướng ngại vật rất lớn cho nỗ lực của các DN từ Việt Nam muốn đẩy mạnh XK vào thị trường quan trọng bậc nhất này.
Trong khi đó, theo thống kê mới đây từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất siêu với Hoa Kỳ là 24,14 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. XK sang Hoa Kỳ đang chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam.
Trong rổ hàng hóa XK của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, đứng đầu vẫn là dệt may với kim ngạch đạt 9,25 tỷ USD, tăng 7,5%. Mặt hàng đứng thứ hai về kim ngạch là giày dép với 3,76 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,36 tỷ USD, tăng 18,8%. Hàng thủy sản với 1,05 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5%. Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt đến 2,41 tỷ USD, tăng 12,5%.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt đưa ra lưu ý về thặng dư XK thực sự của Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Theo đó, lý do đơn giản nhưng quan trọng là một phần lớn kim ngạch XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường khác là những mặt hàng như điện thoại di động Samsung và linh kiện máy tính Intel.
Công đoạn sản xuất ở Việt Nam chỉ đóng góp thêm 5 – 8% vào giá trị thành phẩm của các sản phẩm này. Và dù có mức tăng trưởng như vậy nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng mở rộng thị trường XK của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nhất là khi tính bảo hộ cho sản xuất trong nước của Hoa Kỳ rất cao, đặc biệt đối với hàng nông sản, thực phẩm.
Hơn nữa, những rào cản thương mại, kỹ thuật của Hoa Kỳ ngày càng khắt khe và hễ thấy có dấu hiệu làm nguy hại tới sản xuất trong nước, lập tức họ sẽ bổ sung những quy định mới, điều luật mới để chống đối phó. Như vậy, các DN Việt Nam sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị kiện cáo.
Cũng nên nhìn nhận những khuyết điểm các DN Việt dễ mắc phải khi XK sang thị trường Hoa Kỳ là vẫn quá tập trung vào số lượng, hạ giá để cạnh tranh mà chưa đặt nặng về chất và tính an toàn thực phẩm (đối với mặt hàng nông lâm thủy sản XK) vốn luôn được Hoa Kỳ đòi hỏi cao.
Ngoài ra, điều quan trọng là DN Việt còn thiếu hiểu biết thông tin về thị trường Hoa Kỳ và chưa nắm bắt kịp những thay đổi về chính sách XNK của họ. Dẫn chứng là đầu năm 2017, đã có 806 DN Việt Nam bị ngưng XK hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã có những quy định mới trong Luật An toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến việc khó có thể đưa được hàng Việt vào hệ thống phân phối của họ.
Chưa kể, phía Hoa Kỳ vẫn luôn có tâm lý cảnh giác với những DN nhập các hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc rồi “đội lốt” hàng Việt để XK sang Hoa Kỳ để tránh mức thuế cao.
Có thể nói, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – vốn từng được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam XK mạnh hơn vào Hoa Kỳ, thời gian qua các DN Việt cũng đã và đang có sự điều chỉnh.
Theo đó, các DN được khuyến cáo nên nhận diện sâu hơn về thị trường này cũng như có hướng tiếp cận mới về mặt công nghệ, chất lượng, an toàn thực phẩm để gia tăng XK tốt hơn, nhằm xuất được lượng nhiều hơn, đồng thời cũng đạt về chất tốt hơn.