Yêu cầu kỹ thuật đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Minh Thư

Cùng với quá trình phát triển của kinh tế, môi trường ngày càng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Để đảm bảo chất thải không bị xả ra môi trường một cách vô tổ chức, việc xây dựng điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt cần thực hiện theo nguyên tắc mà pháp luật quy định.

Điểm tập kết phải được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý
Điểm tập kết phải được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.

Điểm tập kết được định nghĩa là một khu vực tập trung chất thải rắn sinh hoạt trên một địa bàn cụ thể để tiến hành xử lý chất thải. Khi vị trí của trạm xử lý hoặc bãi chôn lấp không thuận tiện cho việc vận chuyển theo đường quốc lộ, cần xây dựng trạm trung chuyển.

Chất thải rắn sinh hoạt bao gồm các loại chất thải như đồ ăn thừa, thức uống, vỏ chai, vỏ hộp, ống nước, vật dụng ốc vít, xong nồi, chảo, dao, máy cưa và nhiều loại khác, được tạo ra trong quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người. Chúng chứa đựng các thành phần vô cơ và hữu cơ đa dạng.

Tùy thuộc vào thành phần và tính chất của chất thải, độ nguy hại và tốc độ phân hủy cũng khác nhau. Một số chất thải có thể được chôn hoặc đốt, nhưng có những loại khi đốt có thể thải ra khí độc hại hoặc khi chôn dưới lòng đất, chất thải nhựa có thể mất hàng trăm năm để phân hủy. Ngoài ra, có những loại chất thải khó xử lý và khó phân hủy, nên cần chuyển giao cho các cơ quan có chức năng tái chế và xử lý.

Khi chất thải rắn sinh hoạt được chuyển đến điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển, việc phân loại theo nguyên tắc mà pháp luật quy định là cực kỳ quan trọng để xử lý mỗi loại chất thải một cách riêng biệt. Theo đó, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có các quy định yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể:

Về điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt: Điểm tập kết được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và khoảng cách an toàn môi trường thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điểm tập kết phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động; điểm tập kết hoạt động trong thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau phải có đèn chiếu sáng.

Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng phải bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ nhu cầu thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt của tất cả người dân sinh sống tại khu đô thị mới, chung cư, tòa nhà văn phòng đó.

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể bố trí điểm tập kết theo quy định tại điểm b khoản này hoặc có thể lưu chứa trong thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại điểm tập kết phù hợp; bảo đảm an toàn giao thông; hạn chế tối đa hoạt động vào giờ cao điểm.

Về trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt: Thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trạm trung chuyển cố định đầu tư mới tại các khu vực nội thành đô thị loại I và đô thị loại đặc biệt phải sử dụng công nghệ tự động, hiện đại và phù hợp với điều kiện từng địa phương; Khuyến khích sử dụng công nghệ trạm trung chuyển ngầm, bán ngầm hoặc ngầm hóa một số hạng mục công trình tại đô thị nhằm tiết kiệm diện tích sử dụng đất nhưng phải có thiết kế bảo đảm mỹ quan đô thị và không gây ô nhiễm môi trường; Bảo đảm kết nối đồng bộ với hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương; Phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trạm trung chuyển tại các đô thị phải bố trí khu vực tiếp nhận chất thải có đủ diện tích cho phương tiện dừng chờ đổ chất thải; bảo đảm khép kín để hạn chế tối đa phát tán ô nhiễm, mùi và xâm nhập của côn trùng.

Trang bị các hệ thống, thiết bị cân; vệ sinh và phun xịt khử mùi phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển; hệ thống camera giám sát; hệ thống, phần mềm để theo dõi, cập nhật khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và phương tiện thu gom, vận chuyển ra, vào trạm trung chuyển.

Ủy ban nhân dân các cấp xác định vị trí, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt tại trạm trung chuyển.

Bên cạnh các nội dung trên, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT cũng có các quy định về yêu cầu kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt…