Yêu cầu quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng – nhìn từ thực hành quốc tế
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, Ngân hàng đóng góp quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển bền vững; tác động đến môi trường thông qua các hoạt động nội bộ và tác động bên ngoài thông qua cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của minh, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng. Vì vậy, quản lý rủi ro môi trường là yêu cầu đã được đặt ra nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh...
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD).
Để chuẩn bị nội dung cho bản dự thảo sát với thực tế, trước đó Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3739/NHNN-TD ngày 27/5/2021 gửi đến 5 Ngân hàng thương mại cổ phần trong nước yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin về tình hình thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Đây được xem là những tư liệu, thông tin cần thiết hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư phù hợp với thực tiễn hoạt động ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Phân loại, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là yêu cầu không mới đối với các TCTD đã triển khai các gói tín dụng xanh sử dụng nguồn vốn từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) hoặc Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF). Để ký kết hợp tác và nhận vốn tài trợ từ IFC hoặc GCPF, các TCTD phải xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý môi trường và xã hội (Environmental & Social Management System – gọi tắt là ESMS).
Theo thông tin khảo sát, một số TCTD đã triển khai các gói sản phẩm tín dụng xanh và sử dụng nguồn vốn từ IFC và GCPF như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank); Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Công ty Tài chính Điện lực (EVNFinance).
Như vậy, các TCTD nêu trên về cơ bản đã xây dựng hoàn thiện Hệ thống quản lý môi trường và xã hội nội bộ (ESMS) để phục vụ việc đánh giá các tác động về môi trường và xã hội trong quá trình thẩm định, cấp tín dụng.
Các TCTD đã triển khai ESMS về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, khi đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của IFC và GCPF thì TCTD còn mở rộng phạm vi quản lý rủi ro xã hội bên cạnh các rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, theo quan sát và nhận định cá nhân, các TCTD chỉ thực hiện phân loại, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với các khoản vay của khách hàng sử dụng nguồn vốn tài trợ của IFC, GCPF hoặc tổ chức bất kỳ mà tổ chức đó yêu cầu TCTD phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Các cấu phần của Hệ thống quản lý môi trường và xã hội
Hệ thống này yêu cầu tối thiểu bao gồm Chính sách môi trường và xã hội (gọi tắt là Chính sách E&S); Danh sách loại trừ E&S; Các quy trình E&S liên quan khoản vay; Các hướng dẫn thẩm định, đánh giá E&S của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường và xã hội và các mẫu báo cáo liên quan.
Tuyên bố Chính sách môi trường và xã hội
TCTD phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ về Chính sách E&S. Văn bản này phải được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên phê duyệt. TCTD phải công bố Chính sách E&S của tổ chức mình trên các phương tiện truyền thông hoặc công khai trên website của TCTD. Nội dung của Chính sách này thể hiện việc TCTD sẽ cam kết luôn đảm bảo việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tài chính của mình. Ngoài ra, TCTD cũng đưa ra những nguyên tắc trong quá trình quản lý dịch vụ và sản phẩm như đánh giá những rủi ro môi trường và xã hội, đảm bảo việc cho vay hướng tới các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh bền vững về môi trường, được xã hội chấp nhận và mang lại lợi ích kinh tế.
Về quy định đảm bảo nguyên tắc khiếu nại của bên thứ ba, nguyên tắc này có nghĩa bất kỳ bên thứ ba là cá nhân, tổ chức đều có quyền khiếu nại đến TCTD hoặc cơ quan chức năng về việc TCTD tài trợ vốn cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mà dự án, phương án đó tác động xấu đến môi trường tự nhiên hoặc ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Yêu cầu này thường ít được các TCTD tại Việt Nam chú trọng.
Danh sách loại trừ E&S
Danh sách loại trừ E&S là tập hợp các mục đích vay vốn mà TCTD sẽ từ chối cho vay. Thông thường, những mục đích vay vốn mà TCTD từ chối cho vay sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật và khẩu vị rủi ro của từng TCTD. Tuy nhiên, danh sách loại trừ E&S theo IFC có khẩu vị rủi ro chặt hơn khẩu vị của TCTD. Một số hoạt động của khách hàng nằm trong danh sách loại trừ E&S theo khuyến nghị phải từ chối cho vay của IFC như: các hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến nhiên liệu hóa thạch; sản xuất, kinh doanh vật liệu phóng xạ (ngoại trừ các thiết bị mà IFC đánh giá nguồn phóng xạ là không nguy hiểm); các hoạt động ảnh hưởng đến người bản địa, cưỡng bức lao động hoặc lao động có hại ở trẻ em; hoạt động khai thác gỗ trong rừng ẩm nhiệt đới nguyên sinh,…
Quy trình đánh giá, thẩm định rủi ro E&S
Quy trình đánh giá, thẩm định rủi ro E&S là một phần trong ESMS. TCTD có thể xây dựng lồng ghép vào quy trình cho vay hoặc tách rời thành một quy trình thẩm định E&S riêng biệt. Để đơn giản hóa, thông thường TCTD sẽ lồng ghép việc đánh giá, thẩm định E&S vào quy trình cho vay hiện hành của TCTD.
Quy trình đánh giá, thẩm định rủi ro E&S do TCTD quy định nhưng thông thường sẽ bao gồm các bước sau:
Sàng lọc: kiểm tra hoạt động của khách hàng có nằm trong Danh sách loại trừ E&S của TCTD không? Từ chối cho vay nếu hoạt động kinh doanh của khách hàng thuộc Danh sách loại trừ E&S.
Phân loại E&S: sau khi sàng lọc khoản vay không thuộc Danh sách loại trừ E&S, TCTD tiến hành phân loại rủi ro E&S đối với dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng. Mức độ rủi ro E&S của khoản vay sẽ tuân theo quy định nội bộ của mỗi TCTD và thông thường được chia thành 3 hoặc 4 mức độ rủi ro tương ứng các mức rủi ro thấp, trung bình và cao hoặc rủi ro thấp, vừa, đáng kể và cao.
Mức độ rủi ro thấp là những hoạt động kinh doanh có tác động bất lợi đến môi trường và xã hội ở mức thấp hoặc không có tác động. Thông thường các mục đích vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của cá nhân ít có tác động bất lợi đến môi trường và xã hội sẽ được phân loại mức độ rủi ro thấp và không phải thực hiện đánh giá, thẩm định E&S.
Mức độ rủi ro trung bình và cao là những hoạt động kinh doanh có tác động bất lợi đến môi trường và xã hội hoặc có khả năng gây ra những tác động tiêu cực, tiềm ẩn về môi trường và xã hội ở mức độ trung bình hoặc đáng kể. Ví dụ như các dự án về thủy điện tác động đến dòng chảy; các dự án điện gió ngoài biển tác động đến hệ sinh vật, dòng chảy, hướng gió; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng lúa tác động đến môi trường sống của sinh vật, con người,…
Thẩm định E&S: Các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh được phân loại rủi ro trung bình và cao phải được TCTD thẩm định rủi ro E&S chặt chẽ, tuân thủ theo hướng dẫn, thông lệ về quản lý rủi ro E&S của quốc tế. Tùy thuộc vào mức độ rủi ro của dự án, phương án sản xuất kinh doanh sẽ có những yêu cầu E&S chuyên biệt phải thực hiện. Đối với những dự án phức tạp, đòi hỏi phải có kỹ thuật chuyên môn sâu về môi trường,TCTD có thể thuê chuyên gia độc lập bên ngoài để hỗ trợ đánh giá, thẩm định. Đồng thời, phải đánh giá đồng thời rủi ro về môi trường và rủi ro về xã hội để xác định và phân loại mức độ rủi ro E&S tổng thể của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Phê duyệt E&S: đối với các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh được phân loại rủi ro trung bình và cao thì phải được Phòng/Ban/Bộ phận có chuyên môn về E&S của TCTD phê duyệt. Người phê duyệt khoản vay đáp ứng rủi ro về E&S sẽ riêng biệt với Người phê duyệt số tiền cho vay của khoản vay. Có nghĩa là Phòng/Ban/Bộ phận chuyên môn về E&S chỉ có thẩm quyền phê duyệt dự án, phương án sản xuất kinh doanh đáp ứng hoặc không đáp ứng các yêu cầu rủi ro E&S.
Giám sát, báo cáo: TCTD phải thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo khách hàng tuân thủ các yêu cầu E&S mà khách hàng đã cam kết với TCTD. Việc kiểm tra, giám sát E&S có thể được thực hiện lồng ghép vào quy trình kiểm tra, giám sát sau cho vay của TCTD. Trường hợp, thông qua kiểm tra, giám sát sau cho vay phát hiện khách hàng vi phạm các cam kết về môi trường và xã hội thì phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm tác động đến khả năng trả nợ của khách hàng và kịp thời có kịch bản xử lý phù hợp.
Các hướng dẫn thẩm định, đánh giá E&S của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và các mẫu báo cáo liên quan
Theo khuyến nghị, các TCTD nên thành lập một Phòng/Bộ phận chuyên biệt về E&S. Nhân sự phụ trách về E&S phải có trình độ chuyên môn về kỹ thuật môi trường hoặc tài nguyên và môi trường hoặc môi trường và xã hội học. Nhân sự về E&S phải am hiểu phải có nền tảng kiến thức sâu rộng về cả môi trường và tài chính. Tuy nhiên, không phải TCTD nào cũng có đủ nguồn lực cần thiết để thành lập Phòng/Bộ phận chuyên biệt. Do đó, việc kiêm nhiệm là không thể tránh khỏi.
Do đó, TCTD sẽ xây dựng những hướng dẫn đánh giá, thẩm định E&S đối với một số dự án, phương án sản xuất, kinh doanh phổ biến. Các hướng dẫn này được xây dựng theo hướng tin gọn, dễ hiểu đảm bảo nhân sự là cán bộ tín dụng tại các chi nhánh, cán bộ thẩm định tín dụng của TCTD có thể đọc, hiểu và vận dụng vào nghiệp vụ đánh giá, thẩm định E&S.
Bên cạnh xây dựng hướng dẫn đặc tả, TCTD cũng xây dựng các mẫu biểu theo hướng đơn giản, phục vụ việc đánh giá, thẩm định E&S khách hàng theo hướng phỏng vấn và trả lời bằng câu hỏi đúng/sai hoặc chọn đáp án có sẵn.
Nếu tuân thủ các khuyến nghị và yêu cầu của IFC và GCPF thì TCTD không những phải đánh giá các tác động về môi trường mà còn phải đánh giá các tác động về xã hội đối với dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.
Một số đề xuất, kiến nghị
Đối với các TCTD chưa xây dựng Hệ thống quản lý môi trường và xã hội:
Thành lập tổ biên soạn Quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để theo kịp tiến độ ban hành Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định nêu trong dự thảo, chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, các TCTD phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về Ngân hàng Nhà nước.
Thành lập một đội ngũ nhân sự chuyên biệt để nghiên cứu và tham dự các lớp ngắn hạn, các khóa học về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh để đảm bảo công tác vận hành khi Thông tư có hiệu lực thi hành.
Thuê đội ngũ tư vấn là các chuyên gia môi trường bên ngoài để tư vấn, chuyển giao kiến thức chuyên môn về phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường cho nhân sự của TCTD.
Trong dài hạn, TCTD nên hợp tác với các Quỹ đầu tư cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên,…để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với hoạt động tài chính của TCTD.
Đối với các TCTD đã có Hệ thống quản lý môi trường và xã hội:
Định kỳ đánh giá và cập nhật Chính sách E&S, Danh sách loại trừ E&S phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ tốt quốc tế. Nghiên cứu, điều chỉnh để áp dụng ESMS cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ của TCTD thay vì chỉ áp dụng đối với một số dòng sản phẩm như hiện tại để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
Theo khoản 4 Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cho TCTD tại Việt Nam. Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nên bổ sung thêm hướng dẫn quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD để phù hợp với thực tiễn và xu hướng của thế giới.
Nhìn chung, việc tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ, yêu cầu bắt buộc TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là cần thiết trong bối cảnh hiện tại và phù hợp với xu hướng của thế giới.