Yếu tố ảnh hưởng đến chính sách phát triển công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước ở Hòa Bình
Nghiên cứu này khảo sát 250 công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh Hòa Bình để nghiên cứu các chính sách phát triển đội ngũ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh Hòa Bình. Kết quả cho thấy, có 9 yếu tố ảnh hưởng bao gồm: Quan điểm hệ thống chính trị; Chính sách, pháp luật; Điều kiện tự nhiên; Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực công; Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của địa phương; Điều kiện kinh tế địa phương; Mức độ chuyển đổi số và cải cách hành chính của địa phương; Đặc điểm văn hóa – xã hội của địa phương; Năng lực cán bộ quản lý.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương (2010), với đề tài “Về chính sách phát hiện, thu hút và đãi ngộ nhân tài trong công vụ ở nước ta hiện nay”, được đăng trên Tạp chí Phát triển Nguồn nhân lực, số 01 cho rằng: Chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài luôn được Nhà nước quan tâm và chú trọng để phát triển ĐNCC.
Tuy nhiên, chính sách này còn bất cập, chưa có sự thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Vì vậy, cần sớm xây dụng và ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng, đãi ngộ nhân tài để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện.
Pudelko, M. & Harzing, A.W. với “Japanese Human Resource Management” (Quản lý Nguồn nhân lực Nhật Bản) và CABRI-Collaborative Afriaca Budget ReformInitiative trong dự án “Collaborating for high quality public resource management in Afriaca 2009 – 2014” (Hợp tác cho quản lý nguồn lực công chất lượng cao ở Afriaca 2009 – 2014) đã phân tích hoạt động quản lý nhân lực của Nhật Bản, của các quốc gia châu Phi và đưa ra kết luận về các yếu tố tác động đến hoạt động quản lý nhân lực, trong đó có việc ban hành chính sách nhân lực chất lượng cao, bao gồm các yếu tố như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị, pháp luật, văn hóa, trình độ dân trí.
Nghiên cứu Chính sách nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh của TP. Đà Nẵng của Ngô Sỹ Trung (2014) đã phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) bao gồm: Hệ thống chính trị, Pháp luật, Chính sách của nhà nước, Điều kiện tự nhiên, Kinh tế - xã hội của địa phương, Thái độ và hành động của người dân, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ máy thực thi chính sách, cũng như Đánh giá chính sách theo mục tiêu, tiêu chí chính sách và nội dung chính sách.
Đề tài "Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách công ở Việt Nam" của Nguyễn Trọng Bình (2020) đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã chỉ ra các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách công bao gồm: tính chất của vấn đề chính sách; tính đúng đắn và cụ thể của chính sách (hay chất lượng chính sách); nguồn lực thực thi chính sách; sự tương tác, trao đổi và phối hợp giữa các cơ quan và cá nhân trong thực thi chính sách; sự tiếp nhận và ủng hộ của đối tượng chính sách; phẩm chất và năng lực của những người thực thi chính sách; tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành của cơ quan thực thi chính sách; môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Nguyễn Khắc Bình (2022), nghiên cứu “Thực hiện chính sách công ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” đề tài nghiên cứu cấp Bộ đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách công bao gồm: Bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thực hiện chính sách công; Thủ tục hành chính; Nguồn lực thực hiện chính sách; Thái độ và hành động của nhân dân.
Dựa vào cơ sở lý thuyết nêu trên, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng mô hình nghiên cứu định tính và định lượng. Tác giả khảo sát yếu tố ảnh hưởng đến chính sách phát triển đội ngũ công chức (PTĐNCC) trong các cơ quan HCNN của tỉnh Hòa Bình, từ năm 2018–2022. Tổng số bảng câu hỏi gửi đi là 250 phiếu, qua sàng lọc có 220 phiếu câu hỏi hợp lệ. Tác giả tiến hành mã hóa và nhập số liệu, sau đó tiến hành xử lý và phân tích dựa trên phần mềm SPSS 22. Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế.
Kết quả và thảo luận
Kiểm định độ tin cậy của thang đo Cronbach’s Anpha
Thông qua kết quả nghiên cứu định lượng sơ bộ thấy được, các thang đo của các biến đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0.6, hệ số tương quan biến tổng >0.3 thỏa mãn yêu cầu về độ tin cậy (Bảng 1).
Tuy nhiên, các biến quan sát: QĐ5, TN1, ĐT6 bị loại do hệ số tương quan biến tổng < 0.3. Các quan sát này trước khi bị loại bỏ cũng được phỏng vấn sâu lại với chuyên gia và các nhà quản lý về PTĐNCC của tỉnh Hòa Bình.
Bảng 1: Hệ số Cronbach’s Alpha sơ bộ của các thang đo |
||||
Yếu tố |
Số biến quan sát |
Cronbach’s Alpha |
Hệ số tương quan biến tổng (giá trị nhỏ nhất – lớn nhất) |
Số biến bị loại |
QĐ |
5 |
0.831 |
0.323; 0.780 |
1 |
PL |
7 |
0.763 |
0.503; 0.635 |
0 |
TN |
5 |
0.789 |
0.215; 0.753 |
1 |
ĐT |
6 |
0.662 |
0.098; 0.612 |
1 |
CL |
5 |
0.86 |
0.653; 0.751 |
0 |
KT |
5 |
0.867 |
0.666; 0.722 |
0 |
CĐ |
5 |
0.804 |
0.604; 0.765 |
0 |
VH |
4 |
0.733 |
0.531; 0.761 |
0 |
NL |
6 |
0.868 |
0.594; 0.733 |
0 |
CS |
5 |
0.852 |
0.543; 0.738 |
0 |
Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả
Phân tích nhân tố khám phá EFA
Kết quả kiểm định Barlett’s là 2240.846 với mức ý nghĩa Sig = 0.000 <0.05. Kết luận các biến quan sát có tương quan với nhau trong mỗi nhóm nhân tố. Thước đo KMO có giá trị = 0.852 thỏa mãn điều kiện KMO trong khoảng từ 0.5 đến 1. Do vậy, phân tích nhân tố là phù hợp dữ liệu thực tế.
Kết quả phân tích EFA cho các biến độc lập của ma trận xoay nhân tố cho thấy hệ số tải nhân tố của các biến quan sát đều thỏa mãn điều kiện khi phân tích nhân tố là hệ số Factor loading >=0,5 và số nhân tố tạo ra khi phân tích là nhóm 9 nhân tố.
Phân tích hồi quy
Kết quả kiểm định hệ số hồi quy
Với nội dung phân tích hồi quy với độ tin cậy được chọn là 95%, tương ứng với yêu cầu các biến độc lập đều có giá trị Sig. < .05 và có hệ số chuẩn hóa beta dương. Kết quả cho thấy giá trị Sig kiểm định từng biến độc lập đều < 0.05. Do vậy, các biến độc lập này đều có ý nghĩa giải thích biến phụ thuộc, không biến nào bị loại bỏ trong mô hình,
Tiếp theo là hệ số hồi quy chuẩn hóa Beta, trong tất cả các hệ số hồi quy, biến độc lập nào có Beta lớn nhất thì biến đó ảnh hưởng nhiều nhất đến sự thay đổi của biến phụ thuộc. Cụ thể trong Bảng 1 ta thấy biến chính sách pháp luật (PL) của nhà nước có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến chính sách PTĐNCC của tỉnh Hòa Bình, và nhân tố có mức độ ảnh hưởng thấp nhất là mức độ chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Giá trị VIF trong bảng dùng để kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến, tất cả đều <2 do vậy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.
Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình
Kết quả cho thấy, 9 biến độc lập đưa vào ảnh hưởng 68.8% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 67.2% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.
Durbin-Watson (DW) dùng để kiểm định tự tương quan của các sai số kề nhau với mức ý nghĩa 5%, k' = 9, n = 220 làm tròn thành 200, tra bảng DW ta có dL = 1.582 và dU = 1.768. Gắn vào thanh giá trị DW, ta thấy 1.582< 1.889 < (4-du) = 2.232. Do đó, không có hiện tượng tự tương quan giữa các phần dư trong mô hình nên mô hình có ý nghĩa.
Phương trình hồi quy có dạng như sau:
CS = 0.187 QĐ + 0.268 PL + 0.241 TN + 0.172 ĐT + 0.253 CL + 0.205 KT + 0.147 CĐ + 0.227 VH + 0.161 NL
Kết luận và khuyến nghị
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính sách PTĐNCC trong các cơ quan HCNN của tỉnh Hòa Bình chịu ảnh hưởng 9 yếu tố bao gồm: Quan điểm hệ thống chính trị (HTCT); Chính sách, pháp luật của nhà nước; Điều kiện tự nhiên của địa phương; Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực công (NNLKVC) của Việt Nam; Chiến lược phát triển nhân lực (PTNNL) của địa phương; Điều kiện kinh tế của địa phương; Mức độ chuyển đổi số và cải cách hành chính của địa phương; Đặc điểm văn hóa – xã hội của địa phương; Năng lực cán bộ quản lý. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, đối với Quan điểm của hệ thống chính trị, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ĐNCC và có những cam kết cụ thể về công tác phát triển ĐNCC. Nhiệm vụ này cần được thực hiện với những tư duy khoa học, chặt chẽ, có hệ thống…
Thứ hai, đối với chính sách, cần chú trọng xây dựng cơ chế chính sách quản lý cụ thể, với các mục tiêu hợp lý, rõ ràng, có thể định lượng và đo lường được, với lộ trình cụ thể và sự phân định trách nhiệm của các bên liên quan rõ ràng, hệ thống thông tin và báo cáo minh bạch, cụ thể và cập nhật, từ đó tạo môi trường để triển khai chính sách phát triển ĐNCC hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan HCNN hơn.
Thứ ba, đối với điều kiện tự nhiên của địa phương, Hoà Bình là tỉnh miền núi, có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp. Điều kiện địa hình khó khăn, hiểm trở là khó khăn lớn, cũng như ảnh hưởng bất lợi đến việc thu hút vốn đầu tư phát triển. Nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không trở về địa phương công tác. Vì vậy, cần có sự quan tâm, đầu tư để không chỉ giữ chân NNL chất lượng cao của tỉnh mà còn phải thu hút về tham gia công tác tại địa phương.
Thứ tư, đối với hhệ thống đào tạo, bồi dưỡng NNL KVC của Việt Nam, cần phát triển hệ thống cơ sở đào tạo NNLKVC theo hướng hiện đại, hội nhập, tăng cường tính thực tiễn, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, đáp ứng yêu cầu của vị trí chức danh công việc và phân bố hợp lý theo khu vực.
Thứ năm, cần quan tâm đến chiến lược PTNNL của địa phương, tỉnh Hòa Bình vì đây là cơ sở, định hướng để xây dựng chính sách phát triển ĐNCC trong các cơ quan HCNN.
Thứ sáu, đối với điều kiện kinh tế của địa phương, cần tập trung phát triển kinh tế của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ĐNCC trong các cơ quan HCNN theo hướng phát triển các chỉ tiêu kinh tế ổn định, bền vững, góp phần tăng ngân sách và phân bổ ngân sách ưu tiên cho phát triển ĐNCC trong các cơ quan HCNN của tỉnh Hòa Bình.
Thứ bảy, đối với mức độ chuyển đổi số và cải cách hành chính của địa phương, cần xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ và đội ngũ lãnh đạo số, công chức số và đặc biệt công dân số, bên cạnh đó, các dịch vụ công trước hết phải được đơn giản hóa đối với người sử dụng.
Thứ tám, đối với đặc điểm văn hóa – xã hội của địa phương, tỉnh Hòa Bình có cơ sở hạ tầng cũng như các hoạt động dịch vụ về văn hóa, giáo dục, y tế còn bất cập; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, tỷ hộ nghèo là dân tộc thiểu số vẫn khá cao là những rào cản đối với đầu tư cho PTNNL và chính sách phát triển ĐNCC trong các cơ quan HCNN nói riêng. Vì vậy, cần quan tâm đầu tư, phát triển văn hóa – xã hội của địa phương tạo điều kiện cho PTNNL.
Thứ chín, đối với năng lực cán bộ quản lý, cần nâng cao năng lực cán bộ quản lý, đặc biệt về kiến thức và kỹ năng quản lý công chức, quản lý nguồn nhân lực khu vực công… để cải thiện chất lượng công tác tham mưu xây dựng chính sách phát triển ĐNCC trong các cơ quan HCNN của Hòa Bình.
Tài liệu tham khảo:
- Ngô Sỹ Trung (2014), Chính sách nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh của thành phố Đà Nẵng, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế Quốc dân;
- Nguyễn Minh Phương (2010), Về chính sách phát hiện, thu hút và đãi ngộ nhân tài trong công vụ ở nước ta hiện nay, Tạp chí Phát triển NNL, số 01;
- Nguyễn Trọng Bình (2020), Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách công ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp;
- Trần Anh Tuấn (2007), Hoàn thiện thể chế quản lý công chức ở Việt Nam trong điều kiện phát triển và hội nhập quốc tế;
- S Van Meter và C.E Horn (1975), “Quá trình thực thi chính sách – khung khái niệm".