10 điểm sáng kinh tế - xã hội quý I/2017

PV.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, sáng ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã nêu 10 điểm nổi bật của kinh tế - xã hội trong 3 tháng đầu năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cụ thể, tại phiên họp, Thủ tướng đã ghi nhận 10 điểm nổi bật cả nước đạt được về kinh tế - xã hội trong những tháng đầu của năm 2017.
Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu những điểm tồn tại, bất cập để các thành viên Chính phủ thảo luận, từ đó, không chỉ tìm ra nguyên nhân mà thảo luận về các giải pháp để khắc phục trong tháng 4 cũng như thời gian tới.
Theo Thủ tướng,10 điểm sáng của kinh tế - xã hội đã đạt được, đó là:
Một là, kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%). Theo số liệu của Tổng cụ Thống kê, CPI quý I/2017 tăng cao nhất trong 3 năm qua. cụ thể mức tăng bình quân CPI quý I/2017 là 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức của cùng kỳ 3 năm gần đây.
Hai là, tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Cụ thể, tăng trưởng tín dụng quý I/2017 đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây, ở mức 2,81% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp giai đoạn đầu năm là tương đối tốt, qua đó giúp thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện. Cũng theo báo cáo của tổng cục thống kê, quý I/2017 so với cùng kỳ, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,43% trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% (tăng 2,88% so với cuối năm 2016).
Ba là, xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 31,4 tỷ USD, tăng 13%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Bốn là, các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực này đã có nhiều dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này đã giảm sâu 2,69%), đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành lâm nghiệp tăng 4,94%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,50%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Dịch vụ tiêu dùng trong quý I, ước đạt 921,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% (thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I năm 2016).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước đạt 689,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,4%; may mặc tăng 8,8%; phương tiện đi lại tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,3%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 3,4%.
Năm là, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%.
Sáu là, vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%.
Bảy là, thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2017 ước tính đạt 216,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm.
Tám là, số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.
Cụ thể số liệu đã được Tổng cụ Thống kê công bố: Tính chung quý I năm nay, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 271,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9%.
Bên cạnh đó, còn có 9.271 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I năm nay lên hơn 35,7 nghìn doanh nghiệp.
Chín là, chỉ số sản xuất Nikkei hay chỉ số quản trị mua hàng của nước ta đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9.
 Mười là, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, đã ghi nhận 51 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành từ khá trở lên.