158 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ được tổ chức trong năm qua

Gia Hân

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 158 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu đạt 349.500 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trúng thầu là 214.722 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu đạt 61.4%.

Tổng giá trị gọi thầu đạt 349.500 tỷ đồng.
Tổng giá trị gọi thầu đạt 349.500 tỷ đồng.

VBMA cho biết, trong năm qua, KBNN đã có 1 lần điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP từ 400.000 tỷ đồng xuống 215.000 tỷ đồng (kế hoạch điều chỉnh bao gồm cả trái phiếu phát hành cho Bảo hiểm xã hội).

Tính đến hết năm, KBNN đã tổ chức 158 đợt đấu thầu TPCP với tổng giá trị trúng thầu giảm 32,5% so với năm 2021. Tổng giá trị TPCP phát hành trong năm 2022 đạt 99,9% kế hoạch năm sau điều chỉnh và đạt 53,7% kế hoạch trước điều chỉnh.

Trong năm 2022, tỷ trọng phát hành của các kỳ hạn có sự thay đổi so với năm 2021. Kỳ hạn 5 năm và 7 năm không phát hành thành công trong khi kỳ hạn 10 năm và 15 năm chiếm lần lượt 59,8% và 35,2% giá trị phát hành. Bên cạnh đó, 2 kỳ hạn 20 năm và 30 năm chỉ chiếm khoảng 5% giá trị phát hành.

158 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ được tổ chức trong năm qua - Ảnh 1

 

Báo cáo của VBMA cũng cho biết, lãi suất phát hành bình quân tăng ở kỳ hạn 10 năm và 15 năm trong khi giảm ở kỳ hạn 20 năm và 30 năm. So với năm 2021, lãi suất kỳ hạn 10 và 15 năm tăng lần lượt 81 và 84 điểm còn kỳ hạn 20 và 30 năm giảm nhẹ.

Lãi suất phát hành TPCP điều chỉnh tăng mạnh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành thêm 1%/năm vào tháng 9/2022 trước bối cảnh lãi suất trên thế giới tăng nhanh trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu.

VBMA nhấn mạnh, việc lãi suất phát hành kỳ hạn 20 và 30 năm giảm do 2 kỳ hạn này chỉ phát hành thành công trong giai đoạn đầu năm, thời điểm mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp.

 

158 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ được tổ chức trong năm qua - Ảnh 2

 

Ngoài ra, VBMA cho biết, trái ngược với năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 8.060 tỷ đồng TPCP trong năm 2022. Yếu tố dẫn dắt chủ đạo động thái bán ròng của khối ngoại là việc xoay trục chính sách sang thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy lợi suất TPCP Mỹ tăng cao và khiến hầu hết các lớp tài sản sụt giảm giá trị. Tỷ giá USD/VND biến động mạnh cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang xu thế bán ròng.

Trong năm 2022, 17.900 tỷ đồng TPCP bảo lãnh được phát hành. Tất cả khối lượng TPCP bảo lãnh đều được phát hành bởi Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng này phát hành thành công ở 2 kỳ hạn 3 năm (10.700 tỷ đồng) và 5 năm (7.200 tỷ đồng).

Tỷ lệ trúng thầu TPCP bảo lãnh trong năm 2022 có chiều hướng giảm so với năm 2021, đạt 18,4%. Lãi suất trúng thầu TPCP bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội ở mức 3,63% và 4,26% lần lượt tại kỳ hạn 3 năm và 5 năm.