Duy trì phát hành trái phiếu chính phủ thường xuyên để hỗ trợ thị trường vốn
Đại diện Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) nhấn mạnh, việc phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cần phải được duy trì thường xuyên để hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước, tạo lãi suất chuẩn để các công cụ nợ khác trên thị trường tham chiếu theo thông lệ quốc tế.
Phân tích rõ hơn về việc tồn ngân quỹ nhà nước (NQNN) ở mức cao, song KBNN vẫn phát hành TPCP, Cục Quản lý ngân quỹ cho biết, thời gian qua, cân đối thu – chi ngân sách nhà nước (NSNN) về tổng thể có thặng dư, song chủ yếu là cân đối ngân sách địa phương thặng dư lớn, trong khi cân đối ngân sách trung ương vẫn tiếp tục bội chi.
Bên cạnh đó, yêu cầu trả nợ gốc đến hạn hàng năm cũng rất lớn, tập trung vào nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Cụ thể, theo dự toán NSNN năm 2023, nhu cầu bù đắp bội chi của ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng; cho trả nợ gốc là 190.515 tỷ đồng. Vì thế, nguồn bù đắp chủ yếu từ vay trong nước là thông qua phát hành TPCP.
Theo Cục Quản lý ngân quỹ, Luật NSNN cũng quy định không sử dụng ngân sách cấp này để chi cho nhiệm vụ của ngân sách cấp khác, nên trường hợp nếu không phát hành TPCP thì ngân sách trung ương sẽ không có nguồn để chi cho đầu tư phát triển và trả nợ gốc.
Như vậy, việc KBNN phát hành TPCP là để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công. Khối lượng TPCP huy động theo nhiệm vụ Bộ Tài chính giao (trong phạm vi tổng mức vay NSNN được Quốc hội quyết định).
Cục Quản lý ngân quỹ cho biết, trong thực tế, để gắn kết và nâng cao hiệu quả quản lý NQNN với huy động vốn, hàng năm KBNN đã cân đối nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương vay khi việc phát hành TPCP trên thị trường gặp khó khăn, đảm bảo trong tổng mức vay do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, qua đó, giúp giảm chi phí vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, đây là nguồn nhàn rỗi mang tính ngắn hạn (dưới 12 tháng) nên phải kiểm soát ở mức phù hợp để không ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản NQNN và tạo áp lực trả nợ trong ngắn hạn của ngân sách trung ương. Điều này cũng tương tự như việc kiểm soát tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn tại các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý ngân quỹ cũng nhấn mạnh, việc phát hành TPCP cũng cần phải được duy trì thường xuyên để hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước, tạo lãi suất chuẩn để các công cụ nợ khác trên thị trường tham chiếu theo thông lệ quốc tế.