Giai đoạn 2011-2015:

186.660 tỷ đồng vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông

Theo kinhtevadubao.com.vn

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đưa ra tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011- 2015 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, ngày 07/06/2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tham dự hội nghị cóPhó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế, cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thứcBOT,BT.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2011–2015, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động vốn tư nhân được 186.660 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT (58 dự án BOT vớitổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng và 4 dự án BT với tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng), Trong đó, lĩnh vực đường bộ 58 dự án với tổng mức đầu tư là 185.070 tỷ đồng (chiếm 99,15%); lĩnh vực đường thủy nội địa 1 dự án với tổng mức đầu tư là 1.303 tỷ đồng (chiếm 0,70%); lĩnh vực hàng hải 02 dự án với tổng mức đầu tư là 230 tỷ đồng (chiếm 0,12%); lĩnh vực đào tạo 01 dự án với tổng mức đầu tư là 57 tỷ đồng (chiếm 0,03%).

Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đồng (23 dự án BOT với tổng mức đầu tư 69.987 tỷ đồng và 03 dự án BT với tổng mức đầu tư 4.819 tỷ đồng); trong đó, lĩnh vực đường bộ 24 dự án với tổng mức đầu tư 74.576 tỷ đồng; lĩnh vực hàng hải 02 dự án với tổng mức đầu tư là 230 tỷ đồng; chưa kể 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015 nhưng khởi công trước năm 2011. Các dự án cơ bản đảm bảo chất lượng, khai thác an toàn; doanh thu thu phí tương đối phù hợp với số liệu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết việc triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, thời gian đi lại của hành khách...

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện năm 2014, tính khả dụng của hạ tầng giao thông đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010 (năm 2012 Việt Nam đứng ở vị trí 90).

Thứ trưởng cho rằng, một trong những vấn đề Bộ Giao thông Vận tải quan tâm nhất với các công trình BOT, BT là chất lượng công trình.

Theo quy định, doanh nghiệp dựán và nhàđầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình trong thời gian xây dựng và vận hành. Tuy nhiên, một số dựán khi đưa vào khai thác đã bộc lộ tồn tại về chất lượng. Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý bằng chế tài dừng thu phí hoặc yêu cầu nhà đầu tư phải tự bỏ chi phí khắc phục mà không được tính vào chi phí dự án (Ví dụ như dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Vinh, đoạn tránh TP. Hà Tĩnh…).

Hiện nay, trên toàn quốc có 88 trạm thu phí ở các tuyến quốc lộ (Bộ Giao thông quản lý 74 trạm, UBND tỉnh quản lý 14 trạm) và 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc (Bộ Giao thông vận tải quản lý 12 hệ thống, UBND các tỉnh quản lý một hệ thống). Trong số trạm thu phí trên quốc lộ, 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60 km.

Ngoài ra, về mức thu phí và lộ trình tăng phí, Thứ trưởng cho biết mức thu phíđã phù hợp với quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính; riêng lộ trình tăng phí chỉ là dự kiến sẽđược Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét quyết định chính thức, có lấy ý kiến của địa phương và lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử các bộ. Tuy nhiên khi đưa vào vận hành khai thác vẫn có một số ý kiến khác nhau về vị trí trạm thu phí và tính công bằng của người sử dụng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, đối với các dự án BOT, BT việc xác định đúng chi phí, đúng giá sẽ nhận được sự đồng tình của nhân dân. Qua đánh giá, các dự án BOT hiện nay còn một số bất cập như: Việc bố trí các trạm thu phí có những trạm không hợp lý, thiếu quy hoạch tổng thể, hệ thống văn bản điều chỉnh về vấn đề này còn chưa hoàn chỉnh, chất lượng một số công trình chưa đảm bảo.Bên cạnh nhiều nhà đầu tư có tâm huyết, cũng có những nhà đầu tư năng lực hạn chế, nguồn vốn đầu tư phụ thuộc vào vốn ngân hàng, tính toán chưa chính xác khối lượng thực tế với khối lượng ban đầu dẫn đến việc thu phí quá cao nên cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Hệ thống pháp luật huy động còn nhiều bất cập, đặc biệt là cơ chế quản lý, huy động vốn hỗn hợp.

Ngoài ra, các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT đều có chung đặc điểm là nhà đầu tư sẽ bàn giao cho Nhà nước ngay sau khi hoàn thành công việc xây dựng, mà không gắn trách nhiệm lâu dài với công trình nên cần phải được quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng các công trình này.

Về giải pháp để tiếp tục huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát phát triển hạ tầng gắn với tái cơ cấu ngành giao thông vận tải và cũng phải gắn với phát triển hài hòa các loại hình giao thông...

Đồng thời, trong thời gian tới tăng cường kiểm soát, phải xác định đúng tổng mức đầu tư, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, thực hiện đúng quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích nhà nước, các nhà đầu tư và lợi ích của người dân.

“Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra dự án để kịp thời khắc phục các sai phạm. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế chính sách pháp luật liên quan huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng liên quan đến BOT. Bộ Tài chính rà soát chính sách phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng các Thông tư về giá phí BOT, hướng dẫn quyết toán hợp đồng BOT”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thêm.