Minh bạch đầu tư BOT giao thông: Chống thất thoát thu phí cách nào?

Theo baogiaothong.vn

Sau vụ các nhà đầu tư “tố” nhau thiếu minh bạch trong thu phí, việc siết chặt quản lý chống thất thu và tạo sân chơi công bằng tại các dự án BOT đang được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thấy gì qua doanh thu của các dự án BOT?

Thời gian qua, dư luận đặt ra nhiều hoài nghi về những con số thu phí tại các dự án BOT giao thông, nhất là tình trạng thất thoát trong thu phí dẫn đến mức thu thấp hơn so với thực tế. Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất báo cáo Bộ GTVT về công tác quản lý các dự án BOT, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, nhiều dự án có mức thu theo báo cáo cao hơn hẳn so với phương án tài chính ban đầu. Đơn cử, doanh thu thực tế năm 2015 của dự án QL1 đoạn tránh TP Đồng Hới (Quảng Bình) đạt tới 110,983 tỷ đồng, trong khi theo phương án tài chính được xác định là 90,424 tỷ đồng. Như vậy, mức thu của dự án này đã vượt 20,559 tỷ đồng so với dự kiến. Bên cạnh đó, cũng có dự án mức thu thấp hơn so với phương án tài chính như: Dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn từ cầu 38 đến TX Đồng Xoài (Bình Phước) có mức thu thực tế năm 2015 chỉ 67,453 tỷ đồng, trong khi phương án tài chính xác định sẽ thu được 68,360 tỷ đồng (-907 triệu đồng)…

Theo báo cáo doanh thu thu phí tại các dự án BOT của Tổng cục Đường bộ VN trong năm 2015, số tiền thu phí tại 33 dự án BOT đã đưa vào khai thác là hơn 2.864 tỷ đồng. Số thu này đã vượt so với phương án tài chính ban đầu của 33 dự án nói trên hơn 20 tỷ đồng.

"Để kiểm soát kỹ hơn công tác thu phí tại các dự án BOT, chúng tôi cũng đang đẩy nhanh dự án thu phí không dừng. Việc áp dụng công nghệ này giúp tăng năng lực thông qua các trạm thu phí, giảm ùn tắc, đặc biệt giúp giám sát công tác thu phí hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Xuân Cường
Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, công tác thu phí đang được Tổng cục Đường bộ VN giám sát rất chặt. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo Quyết định 2777 của Bộ GTVT năm 2015, các nhà đầu tư phải báo cáo Tổng cục Đường bộ VN công tác thu phí theo quý, 6 tháng và báo cáo năm. Riêng với báo cáo năm, về doanh thu thu phí phải có kiểm toán độc lập hoặc xác nhận của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, chế độ kiểm tra, xác nhận doanh thu của tổng cục được thực hiện 5 năm kể từ khi đưa công trình vào kinh doanh, khai thác. Tổng cục Đường bộ VN có trách nhiệm xác nhận với doanh nghiệp dự án về các thông số tài chính, chi phí vận hành và thời gian còn lại của hợp đồng dự án.

“Trong 5 năm cuối thực hiện, định kỳ hàng năm và riêng năm cuối cùng của hợp đồng dự án được thực hiện định kỳ hàng quý”, ông Huyện nói.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng tiến hành việc kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác thu phí của các nhà đầu tư. Trong năm 2015, đơn vị này đã kiểm tra 4 dự án BOT gồm: QL1 đoạn tránh Thanh Hóa; Sửa chữa nâng cấp một số đoạn qua các thị trấn trên QL20; Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Xây dựng mở rộng QL1, đoạn Phan Rang - Tháp Chàm. Qua kiểm tra, đều kịp thời chấn chỉnh, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện khai thác theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.

Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, thực tế việc kiểm soát công tác thu phí các dự án BOT cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhất là đang còn thiếu những quy định pháp luật về việc giám sát. Việc kiểm soát doanh thu hiện chủ yếu thông qua báo cáo của chủ đầu tư và thông qua việc thanh, kiểm tra hàng năm…

Không để nhà đầu tư BOT “nhào nặn” báo cáo doanh thu

Trao đổi với phóng viên về cách thức minh bạch các dự án BOT giao thông, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, quan trọng nhất là phải xây dựng được các tiêu chí, định mức rõ ràng để có thể kiểm soát, xử lý, không thể chỉ dựa vào sự chấp thuận, đồng thuận với các nhà đầu tư khi ban hành mức thu phí như hiện nay của Bộ Tài chính. Cùng đó, cần phải siết chặt công tác kiểm toán của các dự án. “Để làm được việc này, cần có các công ty, đơn vị kiểm toán đủ năng lực, độc lập và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm toán của mình”, TS. Phong nói.

Là người trực tiếp phụ trách công tác giám sát thu phí các dự án BOT, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, mức thu của từng trạm thu phí hiện nay do Bộ Tài chính quy định và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả các trạm thu phí hiện nay đều được xây dựng theo tiêu chuẩn trạm thu phí công nghệ một dừng, sử dụng ấn chỉ mã vạch. Công nghệ thu phí này có khả năng lưu trữ tất cả các thông tin về lượt xe, chủng loại, biển số, mệnh giá vé, seri vé dưới dạng file ảnh, video. Cán bộ quản lý, cơ quan chức năng có thể tra cứu, kiểm tra, trích xuất các báo cáo tại bất cứ thời điểm nào.

Khi được hỏi làm sao để biết chính xác số liệu báo cáo về tài chính của doanh nghiệp, ông Trần Văn Ngọ, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, theo Luật Kế toán, người báo cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong đó, có hai thông tin quan trọng nhất là về lưu lượng xe và mệnh giá, doanh thu theo tháng. “Hiện, có câu chuyện tại các trạm là việc không xé vé, lấy vé khi qua trạm. Tôi đề nghị người dân cần có trách nhiệm trong vấn đề này, bởi cơ quan quản lý dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể kiểm soát hết việc này. Khi người tham gia giao thông qua trạm lấy vé sẽ không bị thất thu phí, doanh nghiệp cũng sẽ không trốn được thuế VAT”, ông Ngọ nói.

Là một trong những nhà đầu tư nhiều dự án BOT giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4) cho biết, công tác thu phí hoàn vốn tại các dự án do CIENCO4 làm nhà đầu tư được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ. Ngoài việc kiểm tra, giám sát của Tổng cục Đường bộ VN, doanh thu thu phí của các trạm thu phí còn được ngân hàng tài trợ vốn kiểm tra, giám sátng hiêm ngặt.

“Vào 17h hàng ngày, tất cả các trạm thu phí đều phải chốt doanh số dưới sự kiểm tra của cán bộ ngân hàng, toàn bộ doanh thu sẽ phải nộp về tài khoản của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án. Đồng thời, theo định kỳ nhà đầu tư phải báo cáo doanh thu của dự án với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả báo cáo đó. Chúng tôi cũng cho lắp đặt hệ thống camera giám sát ở tất cả các cửa soát vé, hình ảnh được truyền trực tiếp về Ban điều hành dự án và tổng công ty. Bất cứ hành động nào của nhân viên thu phí có dấu hiệu khả nghi đều được trích xuất hình ảnh để kiểm tra, xử lý”, ông Huỳnh cho biết.

Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, mức phí của các dự án BOT được xây dựng trên cơ sở Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, ngay từ thời điểm lập dự án, đơn vị tư vấn đã phải nghiên cứu, tính toán để đưa ra mức phí dự kiến cho từng loại phương tiện căn cứ vào tổng mức đầu tư, lưu lượng xe, phương án tuyến, thời gian hoàn vốn… Mức phí của dự án phải đảm bảo nằm trong khung quy định của Thông tư 159. Sau khi dự án chuẩn bị hoàn thành, trên cơ sở hợp đồng BOT đã được ký kết, Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm để nhà đầu tư tổ chức thực hiện.