3 lý do giúp Eurozone “giữ chân” giới đầu tư
Theo các chuyên gia kinh tế của Financial Times, mặc dù năm 2017 có nhiều thách thức nhưng các nhà đầu tư có lý do để vững tin vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Có lẽ chưa bao giờ việc ra các quyết định đầu tư vào Eurozone lại khó khăn như năm 2017. Những biến động về chính trị tại lục địa già trong thời gian tới là một trong những lý do quan trọng có thể làm nản lòng giới đầu tư, nhất là khi phe "bài" Liên minh châu Âu (EU) đang thắng thế tại Hà Lan và Pháp, trong khi nước Anh đang chuẩn bị cho việc khởi động tiến trình rời EU (Brexit), còn con đường Chính phủ Hy Lạp đạt được thỏa thuận với các chủ nợ còn nhiều trắc trở.
Trong hoàn cảnh này, giới đầu tư thông thường sẽ chọn lựa chính sách "án binh bất động". Song các chuyên gia kinh tế của tờ Financial Times lại cho rằng các nhà đầu tư không cần phải tìm đến phương án này.
Triển vọng chung vẫn “sáng”
Lý do thuyết phục đầu tiên là kinh tế Eurozone và lạm phát trong khu vực tiếp đà tăng lên. Vào thời điểm hiện tại, các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy triển vọng kinh tế châu Âu có phần “sáng” hơn so với kinh tế Mỹ. Mặc dù kinh tế Italy, Pháp và Bồ Đào Nha đang thụt lùi, song các nền kinh tế khác vẫn đang tiến về phía trước với nhịp độ tăng trưởng trên 2%/năm.
Cục diện chính trị tích cực
Lý do thứ hai là cục diện chính trị tại châu Âu khá tích cực. Mặc dù hai ứng viên đảng cực hữu là Geert Wilders (Hà Lan) và Marine Le Pen (Pháp) đang thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội tại Hà Lan và bầu cử tổng thống tại Pháp, song theo đánh giá của các chuyên gia và các cuộc khảo sát, nếu bà Le Pen có thể vượt qua vòng đầu tiên thì cơ hội giành chiến thắng cũng không cao.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định rằng triển vọng ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với khả năng tái đắc cử của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tạo ra một liên minh Pháp-Đức ủng hộ cải cách khá mạnh. Nếu điều này trở thành hiện thực, EU có thể sẽ tập trung nỗ lực vào việc xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn.
Nhiều nỗ lực kích thích kinh tế
Điểm thứ ba cần lưu ý là các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng để kích thích kinh tế Eurozone, bắt đầu mang lại lợi ích cho kinh tế khu vực này. Từ mùa Hè năm 2016, ECB đã bắt đầu tập trung vào hệ thống ngân hàng, coi đây là kênh trung chuyển vốn quan trọng cho Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của mình. Ngân hàng hiện là kênh cung cấp tín dụng chủ yếu cho các công ty châu Âu, trong khi các doanh nghiệp nhỏ vốn dựa vào nguồn vốn vay đang mang lại 80% việc làm mới cho nền kinh tế.
Hoạt động vay mượn gia tăng đồng nghĩa với việc đầu tư khởi sắc và nhiều việc làm mới được tạo ra. Tính tới thời điểm này, rào cản lớn nhất đối với dòng lưu chuyển tín dụng là thể trạng của các ngân hàng ở Eurozone. Các ngân hàng trong khu vực này hiện gánh vác khoản nợ xấu lên tới 1.000 tỷ Euro.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của các ngân hàng đó gần đây đã có sự cải thiện và các biện pháp kích thích tăng trưởng của ECB cũng bắt đầu mang lại những tác động tích cực. Sau nhiều năm giảm sút, hoạt động cho vay đối với các công ty trong lĩnh vực phi tài chính đã tăng ở mức 2%/năm trong tháng 12/2016.
Các nhà lãnh đạo Eurozone chắc chắn cần suy tính lại chiến lược của mình, có thể xây dựng một liên minh tiền tệ linh hoạt hơn hay tiến tới một giải pháp gắn kết châu Âu bền chặt hơn.
Tuy nhiên, cho dù châu Âu có áp dụng chiến lược nào thì các ngân hàng và tổ chức tài chính trong Eurozone vẫn còn chọn lựa khác. Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu trị giá 500 tỷ Euro chưa được khai thác, trong khi người dân châu Âu, thậm chí ở cả những nước bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái, vẫn luôn ủng hộ dự án EU. Từ năm 2008, nhiều người đã dự báo về khả năng tan vỡ của Eurozone song có lẽ năm 2017 một lần nữa sẽ chứng minh điều đó không xảy ra.