5 điều cần biết về cách tiếp cận mới của Fed

Theo Như Tâm/Reuters/ndh.vn

Ngày 27/8, Fed thông báo sự thay đổi lớn trong chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ. Dưới đây là 5 điều cần biết về chiến lược mới của Fed nhằm đạt mục tiêu bình ổn giá và tối đa hóa việc làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Fed ngày 27/8 bắt đầu hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole – sự kiện thường tổ chức tại khu nghỉ dưỡng ở Jackson Hole, bang Wyoming, nhưng năm nay phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu được thị trường chú ý, cho biết Fed quyết định thay đổi cách tiếp cận với lạm phát và việc làm.

Dưới đây là 5 điều cần biết về chiến lược mới của Fed.

Chiến lược mới

Chiến lược mới của Fed chú trọng hơn đến củng cố thị trường lao động và bớt lo ngại về lạm phát quá cao. Gọi tối đa hóa việc làm là “một mục tiêu bao quát và bao hàm”, Fed sẽ ra quyết định dựa trên “sự thiếu hụt” so với việc làm tối đa.

Cách dùng từ cho thấy Fed sẽ tiếp tục ứng phó tình trạng thất nghiệp cao nhưng sẽ không báo động nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm quá nhanh hoặc quá nhiều như từng làm trước đó.

Chiến lược mới còn chấp nhận hình thức lạm phát trung bình, cho phép "bù đắp" các giai đoạn lạm phát thấp bằng các giai đoạn lạm phát cao. Theo thời gian, lạm phát trung bình cần đạt mục tiêu 2%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu về cách tiếp cận chính sách mới ngày 27/8. Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu về cách tiếp cận chính sách mới ngày 27/8. Ảnh: Bloomberg.
 

Ý nghĩa với nền kinh tế

Theo khuôn khổ cũ, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức siêu thấp được coi là dấu hiệu cảnh báo sớm cho lạm phát không mong muốn.

Điều này lại chưa bao giờ xảy ra. Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chạm đáy gần 50 năm nhưng vẫn không có dấu hiệu lạm phát tăng. Khuôn khổ mới rút kinh nghiệm từ bài học trên, cho phép Fed giữ chính sách nới lỏng ngay cả khi việc làm tăng.

Trong khi cách tiếp cận mới có thể khiến giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác cao hơn, chủ tịch Powell lý giải sự thay đổi này là cái giá xứng đáng để ngăn lạm phát xuống quá thấp và có được thị trường lao động vững mạnh hơn.

Cách thực hiện

Do lạm phát đã ở dưới mục tiêu 2% suốt nhiều năm, chiến lược mới phát tín hiệu giới lập chính sách của Fed sẽ không nghĩ đến việc tăng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt 2% trong một thời gian nhất định.

Quan điểm ở đây là nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp cảm thấy lạm phát có xu hướng tăng cao, dẫn đến suy giảm sức mua trong tương lai, họ sẽ đi vay, chi tiêu hoặc đầu tư sớm hơn. Sự bùng nổ chi tiêu sớm trong bối cảnh kinh tế suy giảm sẽ giúp tạo thêm việc làm, củng cố lực cầu, đưa nền kinh tế thoát hiểm nhanh hơn.

Đồng thời, Fed tập trung vào thúc đẩy tỷ lệ thất nghiệp đi xuống có thể giúp đưa nhiều người trở lại thị trường lao động hơn.

Nguy cơ sai sót

Để chiến lược mới có hiệu quả, các hộ gia đình và doanh nghiệp cần phải tin các nhà lập chính sách Fed đã từ bỏ tư duy đối phó lạm phát và tiếp nhận hoàn toàn vai trò bảo vệ thị trường lao động vững mạnh.

Họ cần hiểu quan điểm lạm phát một chút là điều tốt, đặc biệt là nếu lạm phát giúp tạo thêm việc làm.

Ngoài ra, giữ lãi suất trong thời gian dài hơn thường giúp Phố Wall đi lên, dường như có lợi cho giới nhà giàu Mỹ hơn là nhóm người Fed muốn hướng đến trong khuôn khổ chính sách mới.

Một vấn đề khác là Fed chào đón lạm phát tăng không có nghĩa cơ quan này có thể khiến lạm phát đi lên. Cơ chế thực sự để Fed thúc đẩy giá lại không được đưa vào tài liệu, dù ngân hàng trung ương Mỹ tuyên bố dùng mọi công cụ để đạt mục tiêu.

Tại sao cần có khuôn khổ mới

Fed lo ngại các công cụ ứng phó suy thoái sẽ không hiệu quả trong một thế giới lạm phát và lãi suất còn thấp hơn trong quá khứ, khiến ngân hàng trung ương Mỹ bị thu hẹp phạm vi hành động với biện pháp truyền thống là giảm lãi suất.

Tiêu điểm trong khuôn khổ chính sách trước đó của Fed, thông qua năm 2012, cũng là mục tiêu lạm phát 2% nhưng lãi suất đủ cao để tạo vùng đệm ngăn giảm phát nếu suy thoái.

Nhưng những năm sau đó, kinh tế Mỹ diễn biến theo hướng giới lập chính sách của Fed không ngờ đến, bất chấp nhiều năm lãi suất cận 0, hàng nghìn tỷ USD mua trái phiếu, lạm phát vẫn “cứng đầu” ở dưới 2%.

Lạm phát thấp đồng nghĩa Fed không còn nhiều dư địa để hỗ trợ nền kinh tế chỉ bằng cách giảm lãi suất. Để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, Fed đã phải dùng đến các công cụ có tính chính trị như mua trái phiếu và cho vay trực tiếp các doanh nghiệp.

Lần điều chỉnh khuôn khổ này không chỉ nhằm giúp Fed trong cuộc chiến ngăn suy thoái vì Covid-19 mà còn là một phép thử.