5 khó khăn khiến doanh nghiệp ngại áp dụng SA8000
Dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhưng không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn không mặn mà với SA8000. Lý do, doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình tìm hiểu, áp dụng bộ tiêu chuẩn này.
SA8000 là tiêu chuẩn so sánh và đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, được hình thành năm 1997.
Tiêu chuẩn SA 8000 này dựa trên: Công ước Liên Hợp Quốc về nhân quyền; các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); những quy chuẩn nhân quyền quốc tế và luật lao động của nước sở tại.
Việc áp dụng SA8000 vào hệ thống quản lý giúp thúc đẩy việc đảm bảo quyền cơ bản của người lao động trong doanh nghiệp.
Tiêu chuẩn SA8000 là một trong 3 tiêu chuẩn (ISO 9000, ISO 14000 và SA 8000) được xem là bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá (đặc biệt là hàng dệt may) sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Thực tế, tiêu chuẩn này chủ yếu được các doanh nghiệp xuất khẩu triển khai để đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài; còn các doanh nghiệp trong nước thì khả năng áp dụng vẫn còn khá hạn chế, đòi hỏi sự nỗ lực, ủng hộ và cam kết từ phía lãnh đạo doanh nghiệp.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp nhưng thực trạng đáng buồn là không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn không mặn mà với SA8000. Lý do, doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình tìm hiểu và áp dụng bộ tiêu chuẩn này.
Thứ nhất, nhận thức của các doanh nghiệp về SA8000 còn hạn chế: Họ nhìn nhận SA8000 như một vấn đề mâu thuẫn với mục tiêu tạo cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận, không phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
Thứ hai là vấn đề về bảo mật: Các doanh nghiệp không muốn tiết lộ ghi chép tài chính, báo cáo, số liệu thống kê, đặc biệt trong các doanh nghiệp tư nhân.
Thứ ba, để áp dụng SA8000, doanh nghiệp cần có tiềm lực kinh tế tốt, đủ khả năng chi trả các khoản (chi phí đánh giá, chi phí thực hiện những thay đổi để áp dụng SA8000). Đây cũng là một trở ngại khá lớn, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có điều kiện kinh tế; từ đó, doanh nghiệp ngại thay đổi.
Thứ ba, sự cách biệt văn hoá giữa khách hàng và nhà cung cấp: Do các quy định đạo đức của từng công ty thường được các công ty đa quốc gia áp đặt một chiều đối với các đơn vị gia công nên nội dung thực hiện của các tiêu chuẩn không phản ánh được nhu cầu và giá trị địa phương.
Thứ tư, tiêu chuẩn SA8000 là mục tiêu ít được ưu tiên, đặc biệt trong những thời điểm kinh tế suy thoái. Mặc dù hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao hơn về lâu dài, nhưng nhiều công ty vẫn không muốn đầu tư phục vụ nhu cầu trước mắt để thực hiện SA8000.
Thứ năm, thực tế của hoạt động gia công gây ra nhiều khó khăn trong việc xác định khối lượng công việc giám sát. Tuy nhiên, bản chất của hoạt động gia công đảm đương phần lớn công đoạn sản xuất khác nhau tại các doanh nghiệp độc lập, làm cho việc giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và đòi hỏi các đơn vị gia công áp dụng SA8000 trở nên khó khăn.