5 nhóm nội dung mới mấu chốt trong Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hàng trăm điểm mới, song có thể khu trú lại 5 nhóm nội dung mấu chốt.

Sáng 18/1, ngay sau phiên Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã diễn ra buổi Họp báo về kết quả kỳ họp. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, sau 3,5 ngày làm việc, kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại kỳ họp, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại cuộc họp báo, thông tin về Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều phóng viên báo chí quan tâm, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hàng trăm điểm mới, tuy nhiên cá nhân ông cho rằng có thể khu trú với 05 nhóm nội dung mới mấu chốt.
Đầu tiên là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Điển hình như các quy định về quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam kể cả công dân định cư ở nước ngoài; chính sách đất đai với đồng bào dân tốc thiểu số...
Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Nhóm thứ 2 là những quy định về tiếp cận đất đai. Trong đó, có quy định Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa; các quy định về mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn lực đất đai cho an sinh xã hội...
Nhóm nội dung thứ 3 được ông Hiếu đề cập là các quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất như quy định về đất sử dụng đa mục đích; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...
Nhóm nội dung thứ 4 là tài chính đất đai như nội dung định giá đất; ổn định tiền thuê đất để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh...
Nhóm nội dung cuối cùng là việc nâng cao hiệu quả quản lý đất đai như các quy định về cải cách thủ tục hành chính, tự động gia hạn, nâng cao chất lượng thông tin về đất đai phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh, có cơ chế tạo thuận lợi cho người dân...
Thông tin thêm về quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong Luật, ông Phan Đức Hiếu cho biết, Điều 138 trong Luật đã quy định cụ thể về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.
Theo đó, Luật đã quy định một số nguyên tắc cơ bản và giao Chính phủ quy định chi tiết bởi các trường hợp trong thực tế rất nhiều, đa dạng mà không thể quy định hết trong Luật được. Do đó, Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với từng trường hợp cụ thể.
Đại diện Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, khi trình Dự thảo Luật, Chính phủ đã trình kèm theo dự thảo các nghị định hướng dẫn Luật. Thống kê sơ bộ trong Luật có 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy, Chính phủ phải ban hành các nghị định quy định chi tiết 65 điều này.
Theo ông Hiếu, thực tế thực thi Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành có thể tăng lên hoặc giảm xuống nhưng quan trọng là hướng dẫn đầy đủ. Ông Hiếu mong muốn Chính phủ sớm có kế hoạch cụ thể triển khai Luật này, xác định các nghị định sẽ hướng dẫn, cơ quan chủ trì, đầu mối soạn thảo các nghị định hướng dẫn luật này.
Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Được biết, dự án Luật đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 04 kỳ họp, 02 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 08 phiên họp chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.