6 tháng đầu năm 2022, cơ quan Thuế lập hơn 57.000 biên bản vi phạm hành chính điện tử
Tổng cục Thuế cho biết, việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính về thuế bằng điện tử đã giảm tải khối lượng công việc phải giải quyết cho cán bộ thuế, góp phần cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý thuế.
Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và thay thế cho Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó, quy định mới về việc lập biên bản vi phạm hành chính điện tử sẽ được thực hiện từ 01/01/2022 trên toàn quốc. Để chuẩn bị triển khai công tác này, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 4280/TCT-KK và Công văn số 5205/TCT-KK gửi cục Thuế các địa phương về việc triển khai lập và gửi biên bản vi phạm hành chính bằng điện tử.
Đồng thời, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn cho 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố về quy trình xử lý nghiệp vụ lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử và hỗ trợ người nộp thuế gửi giải trình, bổ sung theo phương thức điện tử. Hướng dẫn sử dụng các chức năng trên ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS), Ký điện tử (KĐT), Thuế điện tử (eTax) hỗ trợ quy trình lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử.
Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, việc triển khai lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, được thực hiện thí điểm từ ngày 15/11/2021 tại Cục Thuế TP. Hà Nội và Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, Chi cục Thuế quận Đống Đa; Cục Thuế tỉnh Hải Dương và Chi cục Thuế TP. Hải Dương. Việc thực hiện lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Giai đoạn 2 được áp dụng bắt đầu từ ngày 01/01/2022, thực hiện lập và gửi biên bản vi phạm hành chính điện tử đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc. Biên bản vi phạm hành chính điện tử được lập và gửi đáp ứng yêu cầu về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế là cơ sở để cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tổng cục Thuế cho biết, nhờ đẩy mạnh triển khai công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế, tính trong 6 tháng đầu năm 2022, cục thuế các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý nghĩa vụ kê khai của người nộp thuế; đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế thực hiện nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn quy định, qua đó, số lượng tờ khai đã nộp/phải nộp, tờ khai đúng hạn/đã nộp của địa phương đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, Cục Thuế các tỉnh: Hà Giang, Hà Nam, Trà Vinh, Yên Bái đã đạt tỷ lệ nộp tờ khai xấp xỉ 100%.
Đồng thời, việc lập và gửi biên bản vi phạm hành chính về thuế bằng điện tử đã hỗ trợ và giảm tải khối lượng công việc phải giải quyết cho cán bộ thuế các cấp. Trong đó, phần lớn đã lập và gửi biên bản vi phạm hành chính kịp thời về tờ khai nộp chậm trong 1 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thuế gửi thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế của người nộp thuế, vừa rút ngắn được thời gian thủ tục ký biên bản của người nộp thuế, vừa đảm bảo lập biên bản và xử phạt kịp thời.
Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên toàn hệ thống của cơ quan Thuế đã lập và gửi hơn 57.000 biên bản vi phạm hành chính điện tử đối với gần 100.000 hồ sơ khai thuế cho trên 50.000 người nộp thuế. Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/5/2022, toàn ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 4 triệu tờ khai, chiếm 94% trên tổng số tờ khai người nộp thuế phải nộp, trong đó tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn đạt 98%.
Đáng chú ý, việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản điện tử của cơ quan thuế đã giúp công tác xử phạt vi phạm hành chính kịp thời hơn. Chưa kể quy trình này còn phục vụ hiệu quả việc kiểm tra, rà soát doanh nghiệp, qua đó nếu doanh nghiệp vi phạm từ lần thứ 2 trở đi sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần, dẫn đến mức bị phạt xử phạt cao hơn.
So với hình thức lập biên bản giấy, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính bằng điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội. Trước đây, để lập và ký biên bản xử phạt, cơ quan thuế phải làm giấy mời, hoặc thông báo yêu cầu ký biên bản để mời người nộp thuế lên ký, gây mất thời gian và khó khăn trong việc lập biên bản.
Nhưng với việc tạo biên bản điện tử, cơ quan thuế chỉ cần xử lý trên ứng dụng và hệ thống tự động tạo, gửi thông báo cho người nộp thuế, không cần phải có chữ ký của người nộp thuế, góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, công tác thuế có nhiều công việc phát sinh, việc lập biên bản xử phạt bằng phương thức điện tử đã góp phần hoàn thành tốt công tác quản lý khai thuế của toàn Ngành, cung cấp kịp thời thông tin, dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý thuế.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong việc lập biên bản xử phạt bằng phương thức điện tử, trong thời gian tới ngành Thuế sẽ tiếp tục triển khai lập quyết định xử phạt vi phạm hành chính điện tử đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế góp phần nâng cao tỷ lệ tờ khai nộp đúng hạn.
Biên bản vi phạm hành chính sau khi được lập, ký điện tử sẽ được cơ quan Thuế gửi tự động cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử mà người nộp thuế lựa chọn lập và gửi hồ sơ (Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN). Việc giải trình vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP và nội dung ghi tại biên bản vi phạm hành chính điện tử.