7 phương pháp cải tiến giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận

Tĩnh Đồng

Cải tiến quy trình kinh doanh là các phương pháp giúp doanh nghiệp đánh giá được quy trình hiện tại và thực hiện các điều chỉnh nhằm tăng năng suất, tối ưu hóa luồng công việc. Dưới đây là 7 phương pháp cải tiến quy trình phổ biến mà doanh nghiệp có thể áp dụng.

Chú trọng áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh
Chú trọng áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh

Phương pháp Six Sigma: Six Sigma là một phương pháp cải tiến quy trình nhằm giảm thiểu sự sai khác giữa các sản phẩm đầu ra. Phương pháp này thường được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, mục tiêu khi sử dụng phương pháp này là tăng tính đồng nhất giữa các sản phẩm.  

Quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM): TQM là một phương pháp tập trung vào khách hàng và liên tục cải tiến theo thời gian. Phương pháp này thường được sử dụng trong quản lý chuỗi cung ứng và những dự án tập trung vào nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

TQM đặc biệt chú trọng vào việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và các chỉ số hiệu suất. Trong quá trình giải quyết vấn đề, doanh nghiệp cần sử dụng các chỉ số thành công để quyết định làm thế nào để cải tiến một quy trình.

Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing): Sản xuất tinh gọn là một hình thức cải tiến quy trình sản xuất có nhiều tên gọi khác nhau, Lean manufacturing là tên phổ biến nhất.

Năm nguyên tắc của Lean Manufacturing gồm: Xác định giá trị, phân tích luồng giá trị, tạo ra quy trình sản xuất liền mạch, thiết lập hệ thống sản xuất dựa theo nhu cầu và cải tiến liên tục.

Cải tiến liên tục (Kaizen): Kaizen là triết lý của người Nhật dùng để miêu tả cho mô hình cải tiến liên tục. Khái niệm Kaizen bắt nguồn từ ý tưởng rằng cuộc sống nên được cải thiện liên tục để có thể sống một cuộc sống thỏa mãn và đầy đủ hơn.

Khái niệm tương tự có thể được áp dụng cho doanh nghiệp, bởi vì khi liên tục cải tiến, doanh nghiệp có thể trở nên thành công hơn. Mục tiêu của cải tiến liên tục là tối ưu hóa cho các hoạt động tạo ra giá trị và loại bỏ bất kỳ sự lãng phí nào.

Có ba loại sự lãng phí mà Kaizen nhằm loại bỏ: Sự lãng phí (các thực hành tiêu tốn tài nguyên nhưng không thêm giá trị); không đều đặn (sản xuất quá nhiều để lại lãng phí, chẳng hạn như sản phẩm thừa); quá tải (quá nhiều áp lực lên tài nguyên, chẳng hạn như máy móc cũ hỏng hoặc nhân viên làm việc quá sức).

Plan Do Check Act (PDCA): PDCA là một phương pháp tương tác để giải quyết vấn đề và cải tiến quy trình. PDCA được tạo ra bởi Walter Shewhart khi ông áp dụng phương pháp khoa học vào kiểm soát chất lượng kinh tế. Sau đó, ý tưởng này được phát triển thêm bởi W. Edwards Deming, người mở rộng ý tưởng của Shewhart và sử dụng phương pháp khoa học cho cải tiến quy trình cũng như kiểm soát chất lượng.

PDCA bao gồm 4 bước chính gồm: Plan (quyết định vấn đề doanh nghiệp muốn giải quyết và tạo kế hoạch để giải quyết nó); Do (kiểm tra và triển khai kế hoạch ở quy mô nhỏ); Check (xem xét hiệu quả của các hành động đã thực hiện ở giai đoạn Do); Act (sau khi xem xét kết quả của thử nghiệm, quyết định xem liệu doanh nghiệp có muốn triển khai thay đổi ở quy mô lớn hơn hay không).

PDCA là một chu trình cải tiến, có nghĩa là các bước này có thể được lặp lại cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.

Phân tích 5 Why: Phân tích 5 Why là một kỹ thuật cải tiến quy trình được sử dụng để xác định nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề. Trong lý thuyết, quá trình này rất đơn giản, doanh nghiệp chỉ cần tập hợp một nhóm các bên liên quan đến sự cố và một người hỏi: "Tại sao điều này đã xảy ra?".

Lặp lại câu hỏi này khoảng 5 lần cho đến khi doanh nghiệp đạt được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Phân tích 5 Why nhằm xác định các vấn đề trong quy trình, nhưng không bao gồm lỗi của con người.

Quản lý quy trình kinh doanh (BPM): BPM là việc phân tích và cải thiện các quy trình kinh doanh. Giống như bất kỳ một thực thể sống nào, doanh nghiệp cũng phát triển và thay đổi theo thời gian.

Khi doanh nghiệp phát triển, những quy trình hoạt động đã triển khai cho doanh nghiệp ở thuở sơ khai có thể đã không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, những quy trình này có thể khiến doanh nghiệp bị chững lại.  

Quản lý quy trình kinh doanh có thể giúp nhóm xác định các “nút thắt cổ chai”, cách tự động hóa công việc thủ công và các chiến lược để cải thiện sự kém hiệu quả hiện có...