10 sự kiện nổi bật của hệ thống Kho bạc Nhà nước trong năm 2021


Năm 2021, bám sát kế hoạch, chương trình hành động, với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của hệ thống KBNN (ngày 24/12/2021)
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của hệ thống KBNN (ngày 24/12/2021)

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính, cấp ủy và chính quyền các cấp, sự phối kết hợp của các cơ quan, ban ngành có liên quan; cùng với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, hệ thống KBNN đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021. Một số dấu ấn sự kiện nổi bật của hệ thống KBNN, cụ thể:

1. Kịp thời triển khai thành lập và tổ chức quản lý Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch theo đúng quy định tại Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ để huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Trước bối cảnh ngân sách hạn hẹp, để có đủ kinh phí mua vắc xin tiêm cho nhân dân, Bộ Tài chính đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Ngày 26/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và giao cho Bộ Tài chính quản lý Quỹ.

Lễ tiếp nhận ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 Việt Nam (ngày 10/6/2021).
Lễ tiếp nhận ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 Việt Nam (ngày 10/6/2021).

Bộ Tài chính đã nhanh chóng thành lập Ban Quản lý Quỹ và giao cho KBNN tổ chức triển khai, quản lý, vận hành Quỹ. Với nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý Quỹ đã phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện vận động, quyên góp, tiếp nhận, vinh danh các tổ chức cá nhân đóng góp ủng hộ cho Quỹ; quản lý thu, chi kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Tính đến 17h ngày 30/12/2021: Đã có 582.511 tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ 8.803,15 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 55,9 tỷ đồng). Số dư Quỹ cuối ngày 1.131,65 tỷ đồng. Tổng số đã chi 7.671,5 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ đã thực hiện xuất mua vắc xin là 7.666,9 tỷ đồng, chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin là 4,6 tỷ đồng.

2. KBNN cung cấp 100% thủ tục thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Đến nay, hầu hết các khoản thu - chi qua KBNN đều được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; cao điểm có khoảng 200 nghìn giao dịch/ngày. Việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng NSNN tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa.

Với các giải pháp quyết liệt đẩy mạnh triển khai DVCTT, thời gian qua KBNN đã nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ từ phía các đơn vị UBND tỉnh, các sở, ban ngành, đặc biệt là sự đồng thuận từ các đơn vị sử dụng ngân sách. KBNN cung cấp 100% thủ tục thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT. Việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng NSNN tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt ở các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa.

Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đây là khó khăn thách thức nhưng cũng là cơ hội để KBNN đẩy mạnh triển khai DVCTT, số giao dịch qua dịch vụ công ngày càng tăng mạnh, nhờ đó đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của đơn vị cũng như đưa đồng vốn của ngân sách kịp thời vào triển khai các dự án đầu tư sớm phát huy hiệu quả (kể cả trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19). Những con số này đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống KBNN nhằm đưa DVCTT đến với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Cổng Dịch vụ công Kho bạc Nhà nước
Cổng Dịch vụ công Kho bạc Nhà nước

Việc đẩy mạnh triển khai DVCTT đã góp phần cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet nên giảm thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động cho các đơn vị. Đồng thời, cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận, hồ sơ, kiểm soát thanh toán, tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, nâng cao hiệu quả kiểm soát chi và sử dụng vốn NSNN, góp phần cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID -19. Về phía các đơn vị KBNN, Lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra, giám sát được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên DVC đảm bảo thời gian tiếp nhận hồ sơ và kiểm soát chi đúng theo quy định. Đồng thời làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ. DVCTT góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi và hình thành quy trình kiểm soát chi điện tử tiến tới hình thành Kho bạc số.

3. Hoàn thành việc xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030; qua đó, xác định rõ mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục cải cách, hiện đại hóa và xây dựng Kho bạc số, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 là: “Xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước (NQNN); nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.

Trên cơ sở đó, Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu trên như: cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước của KBNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành Kho bạc số; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực;…

4. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cải cách mạnh mẽ hoạt động quản lý quỹ NSNN theo hướng minh bạch, chủ động, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế thông qua việc nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành.

Trong năm 2021, KBNN đã tập trung xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý quỹ NSNN và các hoạt động nghiệp vụ KBNN theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả. Trong đó, tập trung xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN; Thông tư hướng dẫn về giao dịch điện tử hoạt động KBNN; Thông tư hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại.... Đây là các quy định pháp lý cần thiết để giúp KBNN phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một hiệu quả hơn.

Các cơ chế, chính sách được ban hành đã giúp các giao dịch của KBNN hướng tới các giao dịch hiện đại, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, mở rộng kênh giao dịch thu, chi NSNN với KBNN trên môi trường điện tử, giúp đẩy nhanh tốc độ giao dịch cũng như minh bạch hóa quá trình giao dịch từ khâu nhận hồ sơ tới khâu trả kết quả. Đồng thời, cung cấp thông tin tình hình tài chính ngân sách phục vụ điều hành của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương.

5. Hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi NSNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng NSNN với việc kết nối liên thông 3 hệ thống: DVCTT, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách TABMIS và Thanh toán song phương điện tử.

Việc triển khai quy trình liên thông, kết nối 3 hệ thống DVCTT, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách TABMIS và Thanh toán song phương điện tử đã góp phần chuẩn hóa dữ liệu từ phía đơn vị sử dụng ngân sách, hạn chế tối đa việc cán bộ Kho bạc phải bổ sung, hoàn thiện thông tin, từ đó giảm thiểu rủi ro cho công chức kiểm soát chi; hỗ trợ cho công chức kiểm soát chi của KBNN chỉ phải thao tác xử lý hồ sơ, chứng từ điện tử một lần trên một hệ thống (so với 3 lần trên 3 hệ thống phần mềm khác nhau), qua đó rút ngắn đến 40% thời gian thao tác nghiệp vụ trên các phần mềm so với trước đây, giúp cho công chức kiểm soát chi có thêm thời gian để kiểm soát nội dung chi của hồ sơ, chứng từ.

KBNN từng bước khép kín quy trình thanh toán, kiểm soát chi từ đơn vị sử dụng ngân sách qua KBNN, cho đến bước thanh toán tại ngân hàng
KBNN từng bước khép kín quy trình thanh toán, kiểm soát chi từ đơn vị sử dụng ngân sách qua KBNN, cho đến bước thanh toán tại ngân hàng

Năm 2022, KBNN sẽ mở rộng kết nối trực tiếp với phần mềm của các đơn vị sử dụng ngân sách để các đơn vị truyền dữ liệu hồ sơ, chứng từ từ phần mềm của đơn vị trực tiếp sang DVCTT, đơn vị giao dịch không phải thao tác trên 2 hệ thống: chương trình kế toán đơn vị và chương trình DVCTT của KBNN. Qua đó, từng bước khép kín quy trình thanh toán, kiểm soát chi từ đơn vị sử dụng ngân sách qua KBNN, cho đến bước thanh toán tại ngân hàng.

6. Tổ chức tốt công tác phát hành TPCP tại thị trường trong nước, phát huy vai trò là kênh huy động vốn chủ yếu của NSNN; quản lý danh mục TPCP hiệu quả với kỳ hạn còn lại bình quân danh mục được kéo dài và lãi suất phát hành giảm, góp phần tiết kiệm chi phí vay nợ, quản lý nợ công an toàn, bền vững. Tổ chức quản lý, điều hành NQNN chặt chẽ, an toàn, minh bạch, chủ động và hiệu quả.

Căn cứ dự toán ngân sách trung ương (NSTW) và nhiệm vụ Bộ Tài chính giao, bám sát tình hình thu, chi NSTW, tồn NQNN NQNN và diễn biến thị trường, KBNN đã tổ chức phát hành TPCP đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc của NSTW. Tổng khối lượng phát hành tính đến ngày 15/12/2021 đạt 313.243 tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân năm là 13,9 năm và lãi suất phát hành bình quân năm là 2,30%/năm (năm 2020 là 2,86%/năm); qua đó, kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân danh mục lên 9,21 năm (cuối năm 2020 là 8,42 năm), góp phần tiết kiệm chi phí vay nợ và quản lý nợ công an toàn, bền vững.

Công tác huy động vốn TPCP và quản lý NQNN được gắn kết chặt chẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý ngân quỹ, quản lý nợ và quản lý ngân sách.
Công tác huy động vốn TPCP và quản lý NQNN được gắn kết chặt chẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý ngân quỹ, quản lý nợ và quản lý ngân sách.

Đối với công tác quản lý NQNN, KBNN đã chủ động triển khai công tác quản lý, điều hành NQNN, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch, đặc biệt là các khoản chi thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, triển khai các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSTW vay, phần còn lại được đầu tư trên thị trường tiền tệ theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch.

Công tác huy động vốn TPCP và quản lý NQNN được gắn kết chặt chẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý ngân quỹ, quản lý nợ và quản lý ngân sách.

7. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sắp xếp tinh gọn bộ máy tại KBNN Trung ương và KBNN địa phương; thực hiện cắt giảm 10 KBNN cấp huyện và thành lập mới 01 KBNN thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; trình Bộ phê duyệt phương án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của một số vụ, phòng tại cơ quan KBNN.

Năm 2021, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, KBNN tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với kết quả đã đạt được trong năm 2021 và các năm trước đây, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của hệ thống KBNN, công việc được xử lý theo hướng chủ động, chuyên nghiệp thông qua các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Quy trình nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ quản lý ngày càng được hoàn thiện đã góp phần tiết kiệm thời gian, công sức chung cho toàn xã hội, giúp KBNN tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy và con người, tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị dự toán và các chủ đầu tư có quan hệ giao dịch với KBNN. Qua đó, hệ thống KBNN ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng và xác lập vị thế trong nền tài chính quốc gia để góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

8. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KBNN theo mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, hướng tới hình thành Kho bạc số.

KBNN đã ban hành kiến trúc tổng thể CNTT hướng tới Kho bạc số, trở thành bản quy hoạch về CNTT của KBNN trong 10 năm tiếp theo. Việc triển khai kiến trúc tổng thể được chia thành 2 giai đoạn: (1) Từ 2021-2025 với mục tiêu KBNN tập trung vào kết nối dữ liệu số cả trong và ngoài hệ thống; (2) Từ 2026-2030 với mục tiêu hình thành Kho bạc số, với ý nghĩa toàn bộ hoạt động của Kho bạc được thực hiện an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn; mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; kết nối, chia sẻ dữ liệu để cá nhân, đơn vị giao dịch chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu; phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt để có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi.

9. Hoàn thành công tác tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 trình Bộ Tài chính trình Chính phủ và được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao (95,39%); triển khai công tác lập Báo cáo Tài chính nhà nước theo đúng kế hoạch.

Mặc dù công tác quyết toán NSNN năm 2019 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều nội dung quyết toán phức tạp, phải báo cáo, giải trình với các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các vụ, cục, tổng cục thuộc Bộ Tài chính để tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 đúng thời hạn, đồng thời báo cáo, giải trình kịp thời, chính xác, có đủ các cơ sở về số liệu thu, chi, bội chi NSNN năm 2019, thuyết minh, giải trình ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, được Quốc hội đồng ý phê chuẩn đúng thời hạn với tỷ lệ cao 95,39%.

Kết quả biểu quyết của Quốc hội về Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019.
Kết quả biểu quyết của Quốc hội về Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019.

Công tác quyết toán NSNN năm 2019 cho thấy, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thực hiện nghiêm công tác quyết toán năm 2019 đã góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của quốc gia.

Triển khai công tác lập Báo cáo tài chính nhà nước năm 2020 (năm thứ 3 lập báo cáo) theo Luật Kế toán, đến nay, hệ thống KBNN đã hoàn thành Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh; trình, báo cáo cấp có thẩm quyền địa phương. Hiện nay, KBNN tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan trung ương gửi báo cáo để tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc theo đúng kế hoạch.

10. Hệ thống KBNN đã tập trung triển khai xây dựng, chuyển đổi và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Với kết quả đạt tỷ lệ 100% các đơn vị KBNN (gồm 707 đơn vị: cơ quan KBNN, 63 đơn vị KBNN cấp tỉnh và 643 đơn vị KBNN cấp huyện) đã hoàn thành việc xây dựng và chuyển đổi HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 trước ngày 30/6/2021.

Việc triển khai xây dựng, chuyển đổi và áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng góp phần tích cực trong việc giải quyết công tác chuyên môn của các đơn vị nghiệp vụ KBNN. Cụ thể, các quy trình nghiệp vụ được diễn giải chi tiết, dễ hiểu, giúp tinh gọn về số lượng hồ sơ, thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết công việc mà vẫn đảm bảo đúng quy định; các cơ chế chính sách mới luôn được cập nhật và áp dụng kịp thời vào hoạt động nghiệp vụ chuyên môn.

Đồng thời, các thủ tục liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ đều được niêm yết công khai và cập nhật thường xuyên ngay tại nơi khách hàng đến giao dịch, nâng cao tính minh bạch và tăng cường sự giám sát đối với cán bộ thực thi nhiệm vụ. Hồ sơ, tài liệu lưu trữ được sắp xếp khoa học, có hệ thống giúp việc truy cập và sử dụng tài liệu được thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng giao dịch với đơn vị KBNN.