Bộ Tài chính chủ động triển khai các giải pháp tài khóa cho phục hồi và phát triển kinh tế

Trần Huyền

Để nhanh chóng triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương, chủ động chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp tài khóa cho Chương trình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kịp thời trình ban hành các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã khẩn trương phân công các đơn vị trong Bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tài khóa được Chính phủ giao theo thứ tự ưu tiên, gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể.

Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2022; Đồng thời, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 quy định về lệ phí trước bạ (có hiệu lực từ ngày 01/3/2022), trong đó bổ sung mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) áp dụng đối với ô tô điện chạy pin. Theo đó, trong vòng 3 năm kể từ ngày 01/3/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

Theo Bộ Tài chính, tính cả các chính sách ban hành trong năm 2021 nhưng tiếp tục thực hiện ltrong năm 2022 và các chính sách ban hành, thực hiện trong năm 2022, ước tính 4 tháng đầu năm 2022, tổng số thuế được miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định khoảng 10,1 nghìn tỷ đồng.

Cùng với chính sách miễn giảm thuế, lệ phí, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022 về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022, trong đó có nội dung phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2022...

Chủ động tính toán nhu cầu nguồn lực cho Chương trình

Cùng với việc xây dựng các chính sách tài khóa theo thẩm quyền, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ tính toán, lập phương án huy động nguồn lực cho toàn bộ Chương trình. Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát, trình cấp thẩm quyền phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; đồng thời, dự kiến bước đầu khả năng thu ngân sách nhà nước năm 2022 và khả năng giảm thu do miễn, giảm thuế, phí (nếu có).

Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh mục dự án thuộc Chương trình và nhu cầu bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022; Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ Nghị định về hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh..., Bộ Tài chính sẽ xác định nhu cầu huy động nguồn lực cho Chương trình năm 2022, trình Chính phủ.

Về huy động nguồn lực cho toàn bộ Chương trình, trên cơ sở phương án huy động nguồn lực đã trình các cấp thẩm quyền khi xây dựng Chương trình và việc xác định nhu cầu nguồn lực cho Chương trình năm 2022, Bộ Tài chính sẽ xây dựng phương án huy động nguồn lực thực hiện cho toàn bộ Chương trình, chi tiết theo nguồn trong nước, ngoài nước phù hợp với tình hình thực tế; Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương huy động vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách cho Chương trình...

Theo ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính đã xây dựng phương án điều hành ngân sách chủ động, tích cực, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nói chung và thuộc Chương trình nói riêng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi và kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, rà soát các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước để có nguồn lực đảm bảo tối đa nhu cầu của Chương trình, phù hợp tiến độ thực hiện.