Bộ Tài chính liên tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trần Huyền

Bộ Tài chính luôn coi cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp hàng đầu trong cải cách hành chính, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu của Ngành. Thủ tục hành chính liên tục được Bộ Tài chính rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Liên tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Chú trọng kiểm soát thủ tục hành chính, ngay từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2489/QĐ-BTC về kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2022. Triển khai Kế hoạch bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các yêu cầu kiểm soát thủ tục hành chính.

Theo đó, ngành Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện và hiệu quả. Từ đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Công tác đánh giá tác động thủ tục hành chính cũng được Bộ Tài chính chú trọng triển khai. Luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/3/2022, Bộ đã thực hiện đánh giá tác động đối với 2 thủ tục hành chính tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.

Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính của Bộ Tài chính còn hiệu lực là 876 thủ tục hành chính, trong đó: lĩnh vực Thuế là 284 thủ tục hành chính; Hải quan là 243 thủ tục hành chính; Kho bạc là 11 thủ tục hành chính; Dự trữ là 7 thủ tục hành chính; Chứng khoán là 104 thủ tục hành chính; lĩnh vực Tài chính chung là 227 thủ tục hành chính.    

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm đề xuất bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Luỹ kế từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/3/2022, Bộ Tài chính đã ban hành 03 quyết định công bố bãi bỏ 22 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 thủ tục hành chính; công bố mới 02 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: hải quan, thuế và tài chính ngân hàng.

Trên cơ sở quyết định công bố thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-BTC ngày 12/1/2022 về việc phê duyệt danh sách công chức làm nhiệm vụ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Bộ Tài chính thay thế Quyết định số 50/QĐ-BTC ngày 15/1/2021 nhằm kiện toàn đội ngũ thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính.

Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính, tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và hiệu quả. Lũy kế từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/3/2022, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 295 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc 04 lĩnh vực (bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học và giá) và đã trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 210 hồ sơ đảm bảo 100% đúng hạn.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm cải cách hành chính một cách hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và rà soát thủ tục hành chính trong quá trình thực thi; thẩm định, thẩm tra chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới phương thức làm việc, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về triển khai Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Bộ Tài chính kịp thời tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính, giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh kiểm tra thuế, hải quan và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cùng với công tác cải cách, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

Việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính của Bộ Tài chính nhằm tiếp tục mang lại những hiệu quả tích cực, tiết kiệm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, phù hợp với khả năng của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính. Mọi quy trình giải quyết thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận, kiểm tra, giám sát được hoạt động của cơ quan nhà nước.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao sẽ hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa cá nhân, tổ chức với cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, ngăn ngừa được các vấn đề tiêu cực phát sinh trong thực thi công vụ.