Bộ Tài chính tiếp tục thúc đẩy hợp tác với UNPD về cải cách tài chính công
Chiều ngày 29/8/2022, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có cuộc tiếp và làm việc với bà Caitlin Wiesen – Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP).
Tham dự cuộc làm việc có ông Hà Duy Tùng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý nợ; đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn của UNDP.
Mở đầu cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng đón tiếp bà Caitlin Wiesen – Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP đến thăm và làm việc tại Bộ Tài chính Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong 16 tổ chức Liên hợp quốc đang hoạt động tại Việt Nam, UNDP là tổ chức hoạt động tích cực và có vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động giữa Việt Nam và phía Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn 2022-2026, tổng nguồn lực cam kết của UNDP cho Việt Nam là khoảng hơn 120 triệu USD theo văn kiện Chương trình quốc gia mới cho Việt Nam, tập trung vào 03 nội dung: Xây dựng sự thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế; biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai và môi trường bền vững; quản trị công.
Về hỗ trợ của UNDP dành cho Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 1993-2013, UNDP đã hỗ trợ vốn viện trợ không hoàn lại thông qua việc triển khai 08 chương trình/dự án và là nhà tài trợ lớn thứ ba của Bộ Tài chính (chỉ sau Nhật Bản và EU). Hỗ trợ của UNDP đã đóng góp tích cực vào tiến trình cải cách của nhiều lĩnh vực quản lý tài chính công như: quản lý ngân sách nhà nước, quản lý tài chính doanh nghiệp, tăng cường năng lực phân tích chính sách tài chính cho các cán bộ của Bộ Tài chính...
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chương trình này, trong đó xác định một số mục tiêu cụ thể của ngành Tài chính như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách tài chính cho phát triển bền vững; xây dựng và ban hành bộ chỉ tiêu tài chính – ngân sách nhà nước; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính – ngân sách, cơ chế thu thập thông tin, dữ liệu tài chính – ngân sách; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế...
Vì vậy, Bộ Tài chính Việt Nam đề nghị UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); bao gồm cả vấn đề giúp Việt Nam huy động tài chính cho phát triển và hỗ trợ tư vấn chính sách tài chính phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh và bền vững. Đồng thời, đề nghị các tổ chức của Liên hợp quốc, nhất là UNDP cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam để thực hiện mục tiêu tài chính cho biến đổi khí hậu, phấn đấu mức giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo các cam kết tại Hội nghị COP26.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, cải cách tài chính công, đặc biệt là cải cách thể chế tài chính, hiện đại hóa ngành Tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Bộ Tài chính Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với UNDP và các tổ chức khác của Liên hợp quốc để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên quan trọng của ngành Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị UNDP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ quản phía Việt Nam xây dựng thỏa thuận viện trợ, xác định rõ vai trò của các bên trong dự án; phạm vi, nội dung, kết quả, phân bổ vốn, phương thức tổ chức thực hiện để việc quản lý các dự án do UNDP tài trợ được thực hiện hiệu quả, đảm bảo quy định của Việt Nam về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt dự án...
Tại cuộc làm việc, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam gửi lời cảm ơn trước sự tiếp đón chu đáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính dành cho bà và các cộng sự của mình trong chuyến thăm này, đồng thời bày tỏ chúc mừng đối với Bộ Tài chính Việt Nam đã nghiên cứu, ban hành Chiến lược Tài chính đến năm 2030.
Bà Caitlin Wiesen khẳng định, những vấn đề mà Bộ trưởng đề cập tới như: minh bạch thị trường tài chính; tăng cường thu hút nguồn vốn; tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước... đều là những vấn đề quan trọng mà UNDP cũng luôn mong muốn hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Caitlin Wiesen hy vọng rằng, Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục hỗ trợ UNDP đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế hỗ trợ không hoàn lại nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả trong thực hiện các dự án ODA.
Thông tin thêm tại cuộc làm việc, bà Caitlin Wiesen cho biết, hiện nay, UNDP có những cơ chế mua sắm toàn cầu với những hợp đồng mua sắm dài hạn tại các Tập đoàn lớn trên thế giới, do đó, việc triển khai mua sắm công có thể được thực hiện tốt hơn, tiết kiệm chi phí hơn so với giá thực tế phải mua. Vì thế, phía Việt Nam có thể nghiên cứu, phối hợp sâu hơn với UNDP trong lĩnh vực mua sắm công.
Bà Caitlin Wiesen bày tỏ sự tin tưởng rằng, mối quan hệ hợp tác giữa UNDP và Việt Nam nói chung, Bộ Tài chính Việt Nam nói riêng trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Trao đổi tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính Việt Nam ưu tiên tập trung thục hiện cải cách chính sách tài chính, trong đó tập trung đến một số nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước; công tác thu - chi ngân sách nhà nước; phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy nhanh đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công lập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số... Qua đó, Bộ trưởng đề nghị phía UNDP tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam nhằm thực hiện thành công những mục tiêu này.