Cảnh báo nhiều thủ đoạn mới trong vận chuyển, buôn bán ma túy

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2020

Lợi dụng các chính sách mở cửa, thuận lợi hóa thông quan, thành lập doanh nghiệp bình phong, giả đi du lịch, thăm người thân để vận chuyển, buôn bán ma túy, nuốt vào bụng cất giấu… là các thủ đoạn của đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy thời gian qua.

Tội phạm ma tuý lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu để cất giấu ma tuý trong hàng hoá
Tội phạm ma tuý lợi dụng sự thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu để cất giấu ma tuý trong hàng hoá

Thành lập doanh nghiệp bình phong để đưa ma túy vào - ra

Chia sẻ về một số thủ đoạn của tội phạm ma túy thường sử dụng trong lĩnh vực hải quan, ông Nguyễn Văn Lịch - Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá... và lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để trà trộn, cất giấu ma tuý vào hàng hoá xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma tuý vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ, nhất là các phương tiện thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Ngoài việc sử dụng phương thức qua đường mòn, lối mở ở những vùng rừng núi biên giới hẻo lánh, các đối tượng người nước ngoài từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… sang Việt Nam còn sử dụng phương thức khác là mở các công ty “bình phong” hoạt động xuất, nhập khẩu, thuê các kho hàng.

Thậm chí, các đối tượng sử dụng công ty “ma” không có trong thực tế để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam. Vì vậy, số lượng ma túy vận chuyển ở mỗi đường dây không còn nhỏ lẻ như trước mà lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kg.

Ngoài ra, đối với loại hình hàng hoá, phương tiện quá cảnh và tạm nhập - tái xuất, tội phạm ma tuý thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh (là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan) để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, nhất là các phương tiện container, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Ngụy trang ma túy vào bưu cục, cất giấu trong “cơ thể”

Ông Nguyễn Văn Lịch cho biết, các tổ chức tội phạm ma túy triệt để lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy.

Từ đó, các đối tượng sử dụng chứng minh thư và địa chỉ giả để gửi hàng hoặc ủy thác dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất, nhập khẩu nhằm che giấu xuất xứ, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan, né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.

“Đặc biệt, gần đây các đối tượng ở một số nước sử dụng cần sa hợp pháp như Canada, Mỹ... đã gửi cần sa qua đường chuyển phát nhanh với thủ đoạn chia nhỏ thành nhiều gói, có trọng lượng dưới 1 kilogam và ghi tên người nhận khác nhau nhằm mục đích không bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện”, ông Lịch cho biết thêm.

Chưa kể trên tuyến đường bộ, tội phạm thường trực tiếp thực hiện và thuê cư dân biên giới thăm thân, du lịch để vận chuyển ma túy được cất giấu tinh vi bên trong các vali, túi xách được thiết kế hai đáy, gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong hàng tạp hóa, tượng, tranh sơn dầu, loa thùng...

Đơn cử, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tội phạm ma túy còn lợi dụng vào các mối quan hệ thân tộc lâu đời của cư dân hai bên biên giới tạo thành các đường dây, chân rết và thường sử dụng xe máy hoặc xe khách lưu thông trên tuyến Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A, 15C...