Chi phí tuân thủ và giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ thuế ở Việt Nam


Chi phí tuân thủ thuế là chi phí phải trả nhằm thực hiện các nghĩa vụ thuế. Chi phí này về mặt tự nhiên luôn có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của doanh nghiệp. Bài viết đưa ra các khái niệm cũng như cơ sở phát sinh của chi phí tuân thủ thuế và giải pháp để giảm bớt chi phí này tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái quát về chi phí tuân thủ thuế

Chi phí tuân thủ thuế trước hết là chi phí tuân thủ TTHC được tính toán dựa theo hướng dẫn tại Công văn số 7416 /VPCP-TCCV ngày 15/10/2010 của Văn phòng Chính phủ như sau:

Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính = chi phí hành chính + chi phí tài chính gián tiếp + chi phí tài chính trực tiếp

Trong đó, chi phí hành chính thường bao gồm tất cả chi phí để thực hiện hồ sơ của TTHC, chi phí tài chính gián tiếp là những chi phí nhằm đáp ứng các yêu cầu của TTHC bao gồm cả biểu mẫu và chứng thực, chi phí tài chính trực tiếp là phí, lệ phí để thực hiện TTHC.

Nhiều tác giả đã đưa ra các khái niệm chi phí tuân thủ thuế, nhưng tựu chung lại đều mang hàm ý giống nhau. Slemrod và Sorum (1984) cho rằng, chi phí tuân thủ thuế liên quan đến tất cả các chi phí phải chịu bởi người nộp thuế hoặc bên thứ ba trong việc tuân thủ yêu cầu của hệ thống thuế.

Trong khi đó, theo Sandford (1995), chi phí tuân thủ thuế là tổng chi phí phát sinh bởi người nộp thuế nhằm đáp ứng những yêu cầu của luật thuế và cơ quan thuế.

Theo Trần Nam Bình, Chris Evans và cộng sự (2000), những chi phí tuân thủ thuế cốt lõi bao gồm chi phí của lao động để hoàn thành các hoạt động liên quan đến thuế; chi phí trả cho bên ngoài để tư vấn hoặc thực hiện thay các hoạt động về thuế; chi phí không thường xuyên khác như máy móc, phần mềm, cước bưu điện hay chi phí đi lại.

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020), chi phí tuân thủ thuế là chi phí thực tế mà DN và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên cả nước theo quy định hiện hành. Chỉ số APCI gồm hai chỉ số thành phần: Chi phí thời gian và Chi phí trực tiếp phản ánh các loại chi phí chủ yếu mà DN sẽ phải chi trả khi thực hiện TTHC.

Trong đó, chi phí thời gian thông qua đo lường về thời gian cần thiết của mỗi DN kể từ khi bắt đầu tìm hiểu về TTHC cho đến khi hoàn tất việc thực hiện TTHC theo quy định hiện hành (nhận kết quả TTHC). Chi phí thời gian trung bình cho mỗi nhóm TTHC được tính là trung bình cộng của chi phí của tất cả các DN tự thực hiện TTHC, không bao gồm các DN thuê trung gian/bên thứ ba để thực hiện TTHC.

Chi phí trực tiếp là chi phí DN đã phải chi trả bằng tiền trong suốt quá trình thực hiện TTHC để nhận được kết quả của TTHC. Tóm lại, chi phí tuân thủ thuế bao gồm thời gian được quy đổi và chi phí bằng tiền mà người nộp thuế bỏ ra để hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của luật thuế.

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2020 (APCI 2020) được Chính phủ công bố ngày 17/3/2021, chi phí tuân thủ TTHC về thuế là nhóm thấp nhất (trung bình 267 nghìn đồng). Cụ thể, thời gian thực hiện thủ tục thuế giảm 19% và chi phí trực tiếp giảm 79% so với năm 2019, dẫn đến tổng chi phí tuân thủ giảm 66%.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, lĩnh vực thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước, tuy nhiên, cần tiếp tục cải thiện nhiều hơn nữa để tạo thuận lợi cho DN, tiếp tục giảm chi phí tuân thủ trong lĩnh vực thuế, đặc biệt là các chi phí không chính thức.

Tác động của chi phí tuân thủ thuế đến hoạt động của doanh nghiệp

Nhiều nghiên cứu đã đưa ra các ảnh hưởng của chi phí tuân thủ thuế đến người nộp thuế nói chung. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đánh giá những ảnh hưởng của chi phí tuân thủ thuế đến hoạt động của DN. Cụ thể:

Thứ nhất, chi phí tuân thủ thuế tạo gánh nặng về chi phí cho DN. Như đề cập phần trên, cả 2 Báo cáo APCI 2020 và Báo cáo PCI 2020 đều ghi nhận mức giảm trong chi phí tuân thủ thuế của các DN cả chính thức và phi chính thức nhờ vào nhiều biện pháp cải cách TTHC như điện tử hóa việc kê khai, thu nộp thuế, giảm thời gian giải quyết các thủ tục, cũng như chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” các thủ tục đối với DN.

Báo cáo APCI 2020 tập trung vào các thủ tục nhằm hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN, khai quyết toán thuế thu nhập DN, khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, trong khi thủ tục về thuế còn nhiều mảng công việc và quy trình khác, trong khi Báo cáo PCI thực hiện khảo sát nhiều thủ tục hơn.

Như vậy, hai báo cáo trên cho thấy, chi phí không chính thức vẫn phát sinh trong việc thực hiện các TTHC về thuế.

Các thủ tục gây phiền hà nhất tập trung chủ yếu ở thủ tục hoàn thuế và quyết toán. 29% DN FDI tham gia khảo sát cũng cho rằng, họ chịu gánh nặng từ công tác thanh tra, kiểm tra thuế mà trong đó thường phát sinh các chi phí không chính thức.

Thứ hai, chi phí tuân thủ thuế ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ pháp luật về thuế của DN. Về mặt tự nhiên, chi phí tuân thủ thuế càng thấp thì người nộp thuế dễ dàng tuân thủ các quy định của TTHC thuế.

Trong một nghiên cứu tại Tanzania đối với các DN vừa và nhỏ, Deogratius Ng'winula Mahangila (2017) kết luận rằng, chi phí tuân thủ thuế có tác động ngược chiều đến hành vi tuân thủ pháp luật về thuế.

Chi phí tuân thủ thuế càng lớn càng làm gia tăng khả năng tránh thuế của DN. Các nghiên cứu trong nước cũng đưa ra kết quả tương tự về tính đối lập giữa chi phí tuân thủ thuế và hành vi tuân thủ pháp luật thuế của các DN (Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Nguyễn Huy Hoàng, 2017; Nguyễn Thị Lệ Thúy, 2009).

Giải pháp giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế

Trên cơ sở thực trạng nêu trên, tác giả gợi ý một số giải pháp nhằm giảm chi phí tuân thủ thuế cho các DN như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường áp dụng một cách triệt để và tối ưu việc điện tử hóa các thủ tục hành chính thuế như đã làm trong những năm gần đây. Kết quả cắt giảm thời gian và chi phí tuân thủ theo Báo cáo APCI 2020 đã đưa ra mức đánh giá của người nộp thuế đối với việc cải cách của cơ quan thuế lên đứng đầu trong 9 nhóm thủ tục được khảo sát.

Mặc dù vậy, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa triển khai việc quản lý kê khai, thu nộp thuế đến toàn bộ DN; đồng thời, với việc triển khai tốt hơn việc áp dụng hóa đơn điện tử của các DN. Thời hạn áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc trước được được quy định là từ 1/11/2020 đã chuyển sang ngày 01/7/2022, do nhiều nguyên nhân.

Bên cạnh đó, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người nộp thuế đối với các TTHC thuế trên internet bằng việc xây dựng các nội dung hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn để giúp DN tiếp cận ngay và thực hiện dễ dàng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc giải đáp các thắc mắc, phản hồi các yêu cầu của DN, cũng như hỗ trợ các thủ tục, đặc biệt là các thủ tục còn rườm rà, mất thời gian, tìm hiểu và thực hiện các thủ tục của DN.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường sử dụng một cách tối ưu phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS) trong việc lựa chọn các DN có rủi ro cao để tiến hành. Việc này cần kết hợp với phân tích các yếu tố khác từ hồ sơ khai, nộp thuế, hoàn thuế của DN để chọn đúng DN cần thanh tra, kiểm tra để hạn chế phiền hà đến DN. Để thực hiện tốt nội dung này, cần nghiên cứu, bổ sung các tính năng cho phần mềm này, cũng như tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thuế phương thức sử dụng hiệu quả nhất.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và cải cách công tác quản lý thuế hướng tới phục vụ đối tượng người nộp thuế tốt nhất.

Cụ thể, các quy định trong từng sắc thuế phải rõ ràng, minh bạch hơn để người nộp thuế có thể dễ dàng thực hiện, tránh tâm lý lo ngại việc áp dụng sai dẫn đến phát sinh chi phí không chính thức hoặc chi phí thuê các chuyên gia tư vấn hỗ trợ.

Quy trình thực hiện các thủ tục cần được đơn giản hóa nhiều hơn mặc dù đã được lược bỏ bớt trong những năm vừa qua. Cần sớm áp dụng cơ chế “thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế” (APA) trong quản lý thuế.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư hướng dẫn vấn đề này nhằm cụ thể hóa Điều 41 của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Thông tư này sẽ giúp DN có thể chuẩn bị trước về việc xác định APA dựa trên kế hoạch, thông tin dự kiến của chính DN; tạo sự chủ động trong việc thực hiện các TTHC, khai và nộp thuế nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế.

Ba là, kiểm soát các tình huống gây phát sinh chi phí không chính thức của DN trong thực hiện các TTHC về thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra. Để làm được điều này, cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra rõ ràng, minh bạch trên cơ sở phân tích, đánh giá DN có rủi ro như đã đề cập trong phần trên, hạn chế thanh tra, kiểm tra tràn lan, không có trọng điểm.

Bên cạnh đó, giám sát kết quả thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm ngặt kết hợp với mở rộng kênh phản hồi, khiếu nại kết quả thanh tra của DN với cấp trên có thẩm quyền nhằm hạn chế các hành vi tiêu cực từ công chức thuế. Điều cốt lõi vẫn nằm ở phẩm chất đạo đức của công chức thuế, do đó cần bồi dưỡng, giáo dục đi kèm với xử lý, kỷ luật hoặc thậm chí cho ra khỏi ngành, xử lý hình sự những người gây nhũng nhiễu DN để trục lợi.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, quy trình tuyển dụng cán bộ thuế đã có sự minh bạch đáng kể, cần phát huy hơn nữa. Tuy nhiên, để có được đội ngũ có phẩm chất tốt, cần quán triệt các quy định của ngành ngay từ những ngày đầu, để tạo tâm lý cho công chức thuế luôn vững vàng trong công tác, đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính phục vụ. Có như vậy mới giảm thiểu được chi phí không chính thức cho các DN.

Trong năm 2020, chi phí tuân thủ thuế mặc dù đã giảm mạnh so với các năm trước, nhờ vào các nỗ lực cải cách của toàn bộ hệ thống quán lý thuế, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại các thủ tục phiền hà, mất thời gian, phát sinh các chi phí không chính thức trong việc thực thi nghĩa vụ thuế của DN.

Vì vậy, cần hiểu rõ các tác động của chí phí tuân thủ này lên hoạt động của DN và tìm ra giải pháp giảm hơn nữa chi phí tuân thủ, tạo điều kiện cho các DN có thể an tâm sản xuất kinh doanh tăng trưởng và mở rộng hoạt động. Các giải pháp là ý kiến riêng của tác giả dựa trên bối cảnh các nỗ lực của Chính phủ và ngành Thuế trong việc giảm thiểu chi phí tuân thủ và hỗ trợ cho DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Nguyễn Huy Hoàng (2017), Các nhân tố ảnh hưởng tới hành vi tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa,https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-anh-huong-toi-hanh-vi-tuan-thu-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-tai-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-80316.htm;

2. Nguyễn Thị Lệ Thúy (2009), Hoàn thiện quản lý thu thuế của Nhà nước nhằm tăng cường sự tuân thủ thuế của doanh nghiệp (Nghiên cứu tình huống của Hà Nội), Trường Đại học Kinh tế quốc dân;

3. B Tran-Nam, C Evans, K Ritchie and M Walpole (2000), Tax Compliance Costs: Research Methodology and Empirical Evidence from Australia, National Tax Journal 53(2), at p 235;

4. Deogratius Ng'winula Mahangila (2017), The impact of tax compliance costs on tax compliance behaviour. Journal of Tax Administration Vol 3:1 2017.

 *ThS. Nguyễn Đăng Khoa - Khoa Kinh tế Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.