Chuyển biến tích cực trong cải cách hiện đại hóa Kho bạc Nhà nước

PV.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong cải cách hiện đại hóa KBNN.

Hiện nay, hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định, thông suốt.
Hiện nay, hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định, thông suốt.

KBNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tích cực hiện đại hóa trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục hành chính (TTHC) gắn với hiện đại về công nghệ. Qua đó, đảm bảo quản lý chặt chẽ NSNN hướng đến mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử, tiến tới Kho bạc số với 3 không “Không khách hàng tại trụ sở”, “Không tiền mặt” và “Không giấy tờ”.

Hiện nay, hệ thống Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của KBNN hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với số lượng giao dịch hồ sơ chứng từ chi NSNN phát sinh đạt 99% lượng chứng từ chi của toàn quốc trên TABMIS.

Cùng với đó, đã có 90% đơn vị sử dụng ngân sách cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến nhằm phòng ngừa rủi ro và công khai minh bạch.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa toàn ngành KBNN, ngày 20/5/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-BTC về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KBNN, phát triển Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, KBNN đã ban hành Quyết định số 1953/QĐ-KBNN ngày 29/4/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN đến năm 2025. Theo đó, KBNN phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm đến mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN.

Cùng với đó, thực hiện nghiên cứu triển khai Hệ thống phần mềm dịch vụ nhận diện khuôn mặt và tích hợp với một số phần mềm phục vụ kiểm soát chi NSNN; nâng cấp để tích hợp Chương trình thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại và Chương trình giao diện thanh toán liên ngân hàng thành Hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung.

Đặc biệt, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, KBNN phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, sẽ vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử, liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN.