Có phương án hỗ trợ hiệu quả giúp nhân dân miền Trung sớm ổn định đời sống

PV.

Ngày 24/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vào Quảng Bình để trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng các bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia đoàn công tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Trung. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác đến miền Trung, thăm các địa điểm khó khăn nhất. Các bộ, ngành đã xử lý kịp thời vấn đề lương thực, thuốc men, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Các tỉnh đã nêu cao trách nhiệm phòng chống bão lũ.

Thủ tướng đánh giá cao đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh đã gồng mình chống thiên tai với nhiều biện pháp sáng tạo; biểu dương tinh thần “tương thân, tương ái” của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương thường xuyên bị ngập lụt trong khu vực cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể với từng diễn biến, cấp độ mưa bão, lũ lụt; trong đó, cần chủ động di dời dân từ các vùng trọng điểm ngập lụt, vùng bị lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho dân trong những ngày di dời tránh trú.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh miền Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh miền Trung. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước mắt, chính quyền các địa phương phải nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tuyệt đối không để người dân thiếu đói, rét hoặc lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”; xử lý vệ sinh môi trường, bảo đảm ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh sau lũ; tạo mọi điều kiện cho các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, khẩn trương bố trí lực lượng, phương tiện để tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ một cách nhanh nhất đến cho người dân, nhất là các vùng trọng điểm ngập lụt, vùng bị chia cắt; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể, sâu sắc đối với công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Nhấn mạnh mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm thải khí nhà kính, đồng thời qua đó giúp huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Khẳng định các tỉnh miền Trung sẽ được tiếp tục bổ sung thêm nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu, trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ bố trí nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh miền Trung cũng như các vùng thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu nặng nề bằng cả nguồn ngân sách Nhà nước và ODA.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu sửa Nghị định 63 và Nghị định 136 về một số điểm bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, bảo đảm quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, để chủ động nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, các địa phương cần có kế hoạch sớm, phân bổ ngân sách hợp lý; đồng thời đề xuất mức hỗ trợ phù hợp để Trung ương xem xét, triển khai kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tài chính mong muốn, trên tinh thần chia sẻ với người dân các tỉnh bị ảnh hưởng ngập lụt nặng nề, các bộ, ngành liên quan trên cơ sở đề xuất của các địa phương tập trung phối hợp chặt chẽ, kịp thời để có phương án hỗ trợ hiệu quả, nhằm giúp nhân dân sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Tại cuộc làm việc, các địa phương đều khẳng định quyết tâm tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong gần một tháng qua, tại 6 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 5, 6, 7) và 2 áp thấp nhiệt đới đã gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài; tổng lượng mưa phổ biến trên 1.000mm. Đến nay, mưa lũ đã làm 119 người chết, 21 người mất tích.