Kho bạc Nhà nước triển khai hiệu quả quản lý, điều hành quỹ ngân sách nhà nước

PV.

Bám sát chủ trương, giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chương trình công tác của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã làm tốt công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như công tác điều hành ngân quỹ nhà nước, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.

Trong năm 2021, KBNN tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN.
Trong năm 2021, KBNN tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN.

Kịp thời, chính xác trong quản lý quỹ NSNN

Trong năm 2021, bám sát dự toán thu NSNN, KBNN các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách các cấp.

Đồng thời, thực hiện nghiên cứu một số giải pháp nhằm cải cách công tác thu NSNN như: phối hợp với cơ quan thuế để triển khai xây dựng mã định danh khoản thu; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc triển khai dịch vụ thu phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; mở rộng công tác phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt tại 06 NHTM cổ phần... Tính đến hết ngày 15/12/2021, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.438,9 nghìn tỷ đồng, bằng 107,1% so với dự toán năm 2021 được giao, trong đó: Thu ngân sách trung ương đạt 101,1% so với dự toán năm; Thu ngân sách địa phương đạt 114,4% so với dự toán năm.

Trong công tác kiểm soát chi NSNN, bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao đối với các khoản chi của NSNN.

KBNN các cấp cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên NSNN nhất là các khoản chi như: chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài...; ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí mua vắc-xin, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch, bệnh COVID-19... Đồng thời, tham mưu với Bộ Tài chính kịp thời và có chất lượng đối với các cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thống kê cho thấy, tính đến ngày 15/12/2021, KBNN đã thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi thường xuyên đạt 83,1% dự toán; chi đầu tư phát triển đạt 69,4% dự toán. Thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán với số tiền 22,6 tỷ đồng...

Chủ động điều hành ngân quỹ nhà nước gắn với huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển

Bám sát các chủ trương điều hành về kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, KBNN đã nắm chắc diễn biến tình hình thu, chi NSNN tại từng thời điểm, từng giai đoạn, chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với Lãnh đạo Bộ Tài chính xây dựng và triển khai phương án điều hành NQNN năm 2021 theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả.

Đồng thời, tổ chức điều hành ngân quỹ tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN; sử dụng ngân quỹ nhà nước để tạm ứng cho ngân sách trung ương, địa phương; gắn kết quản lý ngân quỹ, quản lý ngân sách với quản lý nợ thông qua việc điều hành khối lượng huy động vốn theo tiến độ thu, giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, KBNN cũng đã triển khai gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tại NHTM theo phương thức đấu thầu điện tử; (v) mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP).  

Trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản các tháng đầu năm còn chậm, tồn ngân quỹ nhà nước ở mức cao, KBNN đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn, đồng thời đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Theo đó, điều hành tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ của NSNN và phù hợp với điều kiện thị trường; Thực hiện đa dạng kỳ hạn TPCP, tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành; Điều hành lãi suất phát hành TPCP linh hoạt, hợp lý, bám sát thị trường, tranh thủ điều kiện thị trường thuận lợi để phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp.

Tính đến ngày 15/12/2021, KBNN đã huy động được 313.243 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch điều chỉnh (324.000 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 13,9 năm (năm 2020: 13,94 năm); lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2.3%/năm (năm 2020: 2,86%/năm).

Trong năm 2022, KBNN xác định mục tiêu và phương châm hành động: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị”.

Trong đó, KBNN sẽ tiếp tục tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công. Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN; tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước chặt chẽ, an toàn, minh bạch, chủ động và hiệu quả. Tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống, gắn kết giữa quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ; nâng cao chất lượng dự báo dòng tiền; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ...