Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm


Theo Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên đã bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000, đồng thời đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và 2019.

Về cơ bản, các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (Luật số 61/2010/QH12) và Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Luật số 42/2019/QH14).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, trong giai đoạn 2000 - 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến hết năm 2020, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm... ; thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1 triệu lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm.

Tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 552.403 tỷ đồng năm 2020, trong đó tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 95.949 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 456.454 tỷ đồng.

Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 460.457 tỷ đồng năm 2020, trong đó số tiền đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 51.308 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 409.149 tỷ đồng...

Còn theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng; đồng thời, có khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số; 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không…

Bộ Tài chính cũng đưa ra nhận định về tiềm năng thị trường bảo hiểm còn rất lớn, nhu cầu bảo hiểm trong khu vực công, khu vực công nghiệp, thương mại, hộ gia đình và dân cư đang đòi hỏi ngày càng cao, trong khi quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn. 

So với các nước trên thế giới thì tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp mới chỉ đạt 3% GDP, trong khi đó tỷ lệ này tại các nước tiên tiến trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 9,7% và thế giới là 6,1%.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện nay đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên đã bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế.

Bộ Tài chính dẫn chứng, về chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao, nhiều khu vực, tầng lớp, tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận được với các sản phẩm bảo hiểm thương mại phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm cho các tài sản cá nhân.

Về thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện để có cơ sở so sánh, tìm hiểu, quyết định tham gia bảo hiểm, nên có những tranh chấp phát sinh.

Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau, đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau.

Ngoài ra, còn có tình trạng phí bảo hiểm chưa tương xứng với rủi ro được bảo hiểm. Cụ thể, như trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có thể có hợp đồng bảo hiểm được giao kết với phí bảo hiểm thấp hơn rủi ro nhận bảo hiểm do hạ phí để cạnh tranh lấy khách hàng; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có thể có sản phẩm bảo hiểm có phí bảo hiểm cao hơn do phần chi phí cho kênh phân phối cao hơn chi phí rủi ro bảo hiểm...

Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm...

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiế, đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường, bảo đảm các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm...

Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm.