Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới

Hà Anh

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã đề ra 7 mục tiêu cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới.
Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 hướng tới mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030. Trong đó, đề ra 7 mục tiêu cụ thể để phát triển hải quan đến năm 2030 gồm:

Một là, tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có sự gắn kết thống nhất.

Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, chống thất thu, gian lận thuế. Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Hai là, tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm.

Bốn là, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong tình hình mới, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối với các đối tác thương mại của Việt Nam… nhằm tập trung hóa tối đa xử lý thủ tục hành chính, kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc.

Năm là, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm. Phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh và các nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan.

Sáu là, đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan. Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Bảy là, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp về thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, hiện đại hóa cơ sở vật chất; hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan; hợp tác giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan.

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được ban hành nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả.

Cùng với đó, Chiến lược cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030 tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.